Phát biểu khai mạc, nhấn mạnh vai trò quan trọng mang tính quyết định của đội ngũ giáo viên trong đổi mới giáo dục nói chung, triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 nói riêng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng: Chúng ta đã đưa ra được “ý tưởng” là chương trình GDPT mới với sự đổi mới căn bản trong mục tiêu – chuyển từ giáo dục chú trọng truyền thụ kiến thức sang giáo dục định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Các giải pháp thực hiện “ý tưởng” chính là tài liệu – sách giáo khoa cụ thể hoá chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tuy nhiên, để thực hiện được tốt ý tưởng và các giải pháp ấy, giúp học sinh được hưởng lợi từ chương trình – SGK mới, thì giáo viên – người trực tiếp giảng dạy cho học sinh - là yếu tố quyết định.
Do đó, công tác bồi dưỡng giúp giáo viên nắm chắc chương trình tổng thể, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục; nắm chắc các phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá theo chương trình mới - là đặc biệt quan trọng.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT đã ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng; ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên/cán bộ quản lý giáo dục; quy chế bồi dưỡng thường xuyên... Đây chính là cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ, giáo viên của địa phương mình.
“Công tác bồi dưỡng giáo viên đại trà lần này có nhiều điểm mới so với việc bồi dưỡng thay SGK trước đây. Nếu trước đây, Bộ GD&ĐT ban hành chương trình SGK rồi tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán ở trung ương, sau đó giáo viên cốt cán trung ương về bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán cấp tỉnh; giáo viên cấp tỉnh tiếp tục bồi dưỡng cho giáo viên cấp huyện/trường. Như vậy đến giáo viên cấp trường là F3 của quá trình bồi dưỡng. Cách làm này công phu, tốn thời gian nhưng chưa thật sự hiệu quả khi từ F1 đến F3 chất lượng bồi dưỡng bị giảm sút.
Lần này, chúng ta bồi dưỡng kết hợp phương thức trực tiếp và trực tuyến. Trong đó bồi dưỡng trực tuyến với ưu điểm là giúp giáo viên ở tất cả các cấp đều tiếp cận được tài liệu bồi dưỡng gốc, tương tác được với giảng viên sư phạm - đội ngũ bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán cấp tỉnh, nên tất cả thầy cô sẽ đều là “F1” của quá trình bồi dưỡng” – Thứ trưởng chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng, chúng ta có 9 modul bồi dưỡng, nhưng trước hết tập trung vào 4 modul liên quan đến tìm hiểu chương trình GDPT 2018, phương pháp dạy học và giáo dục, kiểm tra đánh giá học sinh và xây dựng kế hoạch dạy học giáo dục.
Để triển khai bồi dưỡng các nội dung này, Bộ GD&ĐT đã đưa tài liệu lên hệ thống quản lý giáo dục do Bộ GD&ĐT quản lý. Mỗi giáo viên được cấp một mã truy cập để có thể tự vào nghiên cứu. Sau 5 ngày tự nghiên cứu có hướng dẫn qua mạng, giáo viên sẽ tham gia sinh hoạt chuyên môn tại trường hoặc cụm trường với sự hỗ trợ giải đáp các thắc mắc của giáo viên cốt cán. 7 ngày tiếp đó, các thầy cô tiếp tục tự nghiên cứu và làm bài kiểm tra chất lượng. Sở GD&ĐT sẽ đánh giá chất lượng bồi dưỡng của giáo viên đại trà để cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học.
“Chỉ khi được đánh giá “Đạt” chất lượng khóa bồi dưỡng, giáo viên mới được tham gia giảng dạy trực tiếp trên lớp” - Thứ trưởng nói và nhấn mạnh yêu cầu đội ngũ nhà giáo cần thay đổi nhận thức để biến quá trình được bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng hiệu quả.