Mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Cô Lê Thị Thu Lan – Hiệu trưởng mầm non Hoa Ban (Q. Hải Châu – TP Đà Nẵng) cho biết: “Với các bé mẫu giáo thì nhanh chóng thích nghi với việc trở lại trường sau một thời gian dài nghỉ học để phòng chống dịch. Nhưng với lớp nhà trẻ thì vất vả hơn nhiều. Chính vì vậy, buổi đầu tiên đón trẻ trở lại trường, mỗi lớp đều cử một cô giáo đón trẻ của lớp mình ngay tại cổng trường để con không bị bỡ ngỡ".
Không gian của sân trường, của lớp học ở trường Mầm non Hoa Ban cũng có nhiều điều mới mẻ sau hơn 3 tháng nghỉ dịch để thu hút trẻ chơi và khám phá. Góc trò chơi với cát và nước được các lớp khai thác thác tối đa. Trước giờ trả trẻ, các cô đều giới thiệu những trò chơi trẻ sẽ được chơi vào ngày mai để khơi gợi sự tò mò ở trẻ và hôm sau, trẻ lại háo hức đến trường.
Ngoài số đồ chơi, học cụ được Sở GD&ĐT Đà Nẵng trang bị cho các trường Mầm non theo đề án, trong thời gian trẻ nghỉ học để phòng chống dịch Covid – 19, các GV trường Mầm non Hoa Ban đã tự làm nhiều đồ chơi phù hợp cho từng nhóm tuổi. Các góc hoạt động trong lớp học cũng được trang trí lại đầy sinh động với những chủ đề phù hợp.
Tuần đầu trẻ đi học trở lại, các cô giáo trường Mầm non Bình Minh (Q. Hải Châu) chủ yếu bày trò cho các cháu chơi, tăng cường các hoạt động khám phá ngoài trời như các trò chơi vận động, gieo hạt, xới đất; các hoạt động tự trải nghiệm như làm bánh, làm đồ chơi, gấp áo quần, thu hoạch rau ở vườn trường, đi “siêu thị mi ni” của bé… Tùy theo từng độ tuổi, cô giáo sẽ chọn những trò chơi, những hoạt động phù hợp để kết hợp phát triển các kỹ năng cho trẻ.
Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm - Hiệu trưởng trường Mầm non Bình Minh cho biết: “Những ngày đầu trẻ đến trường trở lại, nếu GV quá cứng nhắc theo chương trình thì cả trẻ và cô đều sẽ vất vả. GV càng sáng tạo, chịu khó và tổ chức, quản lý tốt thì HS được trải nghiệm tốt nhất. Tất nhiên, môi trường cho trẻ hoạt động cũng góp phần rất quan trọng, môi trường phải đa dạng, phong phú, gợi mở thì mới kích thích trẻ khám phá, tìm tòi…”
Cô Nguyễn Thị Thảo – chủ nhóm trẻ Hoa Sen (Q. Sơn Trà) chia sẻ: “Con trẻ đến trường rất cần có cảm giác an toàn, chính vì vậy, các cô giáo phải luôn nhẹ nhàng, kiên nhẫn và quan tâm thực sự đến trẻ. Từ các hoạt động vui chơi và trải nghiệm, trẻ sẽ dần vào nề nếp sinh hoạt để trẻ yêu thích lại việc đến trường”.
Muốn trẻ vui thì trẻ phải khỏe
Cô Lê Thị Thu Lan cho biết, thực đơn của tuần đầu tiên được nhà trường nghiên cứu rất kỹ, nhất là ngày đầu tiên. Gần như tất cả các trường mầm non công lập ở Đà Nẵng đều không tổ chức cho trẻ ăn sáng tại trường trong ngày đầu tiên trẻ đi học trở lại.
“Việc này sẽ tránh được tình trạng trẻ bỏ bữa vì khóc lóc khi đi học trở lại. Các món ăn mà trẻ yêu thích như trứng, cá mềm… sẽ được lên thực đơn trong những ngày đầu. Giáo viên đều quán triệt chủ trương không ép trẻ ăn hết suất để trẻ không sợ hãi. Với những trẻ ăn quá ít, sẽ có thêm sữa tươi dự phòng” - cô Lan nói.
Trường Mầm non Bình Minh còn tổ chức “Bữa ăn hạnh phúc” với tiêu chí các con ăn ngon miệng, ăn hết khẩu phần. “Thỉnh thoảng, BGH nhà trường bố trí cho các cô cấp dưỡng đến lớp phụ với giáo viên cho trẻ ăn. Đây cũng là cách tạo điều kiện để các cô cấp dưỡng hiểu thêm về khẩu vị, sở thích của bé để nghĩ ra những món mới sao cho trẻ ăn ngon miệng” – cô Thư Trâm cho biết.
Các trường mầm non ở Đà Nẵng đều đưa một số thức uống có tác dụng giải nhiệt, tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ như nước cam, nước chanh sả vào thực đơn cho HS.
Để tạo sự thoải mái, nhẹ nhàng cho trẻ, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã hướng dẫn các trường mầm non không đo thân nhiệt cho trẻ ở cổng trường như các cấp học khác. Việc đo thân nhiệt cho trẻ được tổ chức tại các lớp học sau khi đã trẻ đã ổn định.