Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết điều này khi kết luận nội dung liên quan đến xã hội hóa biên soạn SGK tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 16/5.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đến nay, chúng ta đã có sản phẩm, với 5 bộ SGK được Hội đồng quốc gia thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông, để các nhà trường lựa chọn giảng dạy trong năm học tới.
Đó là sự nỗ lực của Chính phủ và Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, so với tiến độ của Nghị quyết, việc thực hiện vẫn còn chậm và có những nhược điểm cần khắc phục.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục phát huy hội đồng quốc gia thẩm định SGK, làm tốt công tác thẩm định, bảo đảm định hướng chính trị, bảo đảm các nội dung liên quan đến lịch sử, văn hóa, nhân cách con người Việt Nam.
Ghi nhận Bộ GD&ĐT đã nỗ lực lớn trong tập huấn cho giáo viên (cả bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến), Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ cần tiếp tục làm tốt và coi trọng công tác này.
Đồng thời, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của phụ huynh học sinh về việc thực hiện chủ trương đổi mới chương trình – SGK giáo dục phổ thông mới.
Ngoài ra, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, các đồng chí lãnh đạo Bộ GD&ĐT trong việc điều hành, kiểm tra, hướng dẫn các trường, các địa phương lựa chọn SGK.
Đặc biệt, cần đề cao vai trò trách nhiệm của Bộ trưởng GD&ĐT khi làm việc với lãnh đạo địa phương về quản lý, thực hiện chương trình, SGK mới, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, ngoài việc in đẹp, nội dung tốt, cần tính đến yếu tố lưu truyền của SGK, năm sau học lại sách của năm trước. Đặc biệt, cần có chính sách trợ giá, hỗ trợ đối với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Liên quan đến nguồn vốn để Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn SGK, Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận: Khoản tiền này giao Chính phủ quản lý sử dụng hiệu quả, đúng quy định và không trái mục đích. Nếu không sử dụng đến thì càng tốt, càng tiết kiệm.