“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam bao đời qua. Hiểu một cách ngắn gọn, “tôn sư” nghĩa là tôn kính, trân trọng người thầy vì dạy ta cái chữ, kiến thức, đạo lý, nhân cách làm người. Còn “trọng đạo” có thể hiểu theo nhiều nghĩa, coi trọng đạo nghĩa thầy trò, làm người, đạo lý, chân lý.
Việc tôn trọng người giữ vai trò truyền đạt trí thức nhân loại cho thế hệ sau là biểu hiện của tinh thần hiếu học, ham hiểu biết và khát vọng sử dụng tri thức để vươn lên, cải tạo thế giới. Trọng đạo không chỉ dừng lại ở hành vi ứng xử với người thầy mà còn thể hiện thái độ, hành xử với cuộc sống, con người. Nó là biểu hiện của vấn đề đạo đức xã hội, một nền văn minh.
Thấm nhuần tư tưởng đó, trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, “tôn sư trọng đạo” luôn là truyền thống văn hóa, nét đẹp đạo đức quý báu, góp phần tạo nên con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, lễ nghĩa, hiếu học và xả thân vì lẽ phải. Truyền thống đó được tiếp nối đến ngày nay khi xã hội và Nhà nước luôn quan tâm đến ngành Giáo dục cũng như đội ngũ giáo viên.
Giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu, tiền lương của nhà giáo đang được cân nhắc ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Các gia đình ngày càng coi trọng, đầu tư cho việc học hành của con em. Ở bất cứ nơi đâu, người thầy được vinh danh là “kỹ sư tâm hồn”, “người mẹ thứ hai”. Nghề giáo được xem là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”.
Dẫu vậy, những năm qua, truyền thống “tôn sư trọng đạo” trong xã hội có những dấu hiệu mai một; thể hiện qua việc còn có hành vi ứng xử vi phạm đạo đức thầy trò, thiếu tôn trọng và lễ độ với thầy cô giáo. Ví dụ như, học sinh nói lại với giọng không tôn trọng, bỏ qua chỉ dẫn và không làm bài tập, gây rối trong lớp học, chế nhạo giáo viên công khai, làm gián đoạn bài giảng của thầy cô, không tuân thủ quy tắc của giáo viên và lớp học đã thống nhất…
Tôn sư trọng đạo phải được thể hiện qua tinh thần hiếu học, cầu thị và trân trọng tri thức. Nhưng hiện nay, một bộ phận học sinh không còn giữ tinh thần đó. Mục tiêu đến lớp của các em không phải là mở mang hiểu biết, khám phá tri thức mà chỉ để đối phó. Vì vậy, nhiều học sinh không có động cơ học tập, chú tâm ghi bài, thiếu chủ động đặt câu hỏi thảo luận và gian lận thi cử.
Người thầy là những người giáo dục hành vi, định hướng nhân cách sống. Vì vậy nếu không “tôn sư” thì khó có thể “trọng đạo”. Có lẽ chính lý do này đã khiến một bộ phận học sinh ý thức đạo đức đi xuống, hình thành lối sống cá nhân, ích kỷ, thực dụng, coi thường giá trị truyền thống. Các em trở nên mất định hướng, mục tiêu cuộc sống, sa đà tệ nạn xã hội, thuốc lá điện tử, chất gây nghiện, hành vi bạo lực học đường, sống thử, băng nhóm, tội phạm tuổi học đường cũng có xu hướng tăng lên để lại nhiều hệ lụy thương tâm.
Cô trò Trường THPT Công nghiệp, Hòa Bình. Ảnh: NTCC |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm truyền thống “tôn sư trọng đạo”, nhưng với tinh thần “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” phải thừa nhận nhiều thầy cô giáo chưa thực sự là tấm gương tốt để định hướng giáo dục học trò.
Người giáo viên dạy học trò bằng chính nhân cách của mình, nên để giáo dục học sinh, làm các em nể phục thì ngoài có kiến thức chuyên môn uyên thâm, phương pháp sư phạm giỏi, cập nhật năng lực công nghệ thông tin để thích nghi thời cuộc, các thầy cô phải có sự đồng cảm với những thách thức, khó khăn trong từng hoàn cảnh cá nhân.
Thầy cô phải có năng lực giao tiếp hiệu quả với mọi học trò để xây dựng mối quan hệ tích cực, giảm thiểu hiểu lầm. Thầy cô không thể truyền cảm hứng học tập cho học trò nếu chính mình thiếu nhiệt huyết, đam mê với chủ đề của môn học. Học trò sẽ thiếu tôn trọng giáo viên nếu thầy cô thất bại trong xây dựng văn hóa lớp học tích cực, đưa ra hình thức kỷ luật không nhất quán và thiên vị. Tất cả điều này làm suy yếu vị thế người giáo viên, giảm sự tôn trọng của học sinh, phụ huynh với họ.
Rồi vòng quay của cơm áo gạo tiền cùng sự đãi ngộ chưa tương xứng tầm quan trọng của nghề nghiệp khiến xã hội có phần đánh giá sai lệch về vị thế nghề giáo. Nhiều thầy cô do áp lực cuộc sống, buộc phải làm thêm khiến họ mất đi thời gian, sức lực mà đáng lẽ phải dành cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy cũng làm suy giảm uy tín, hình ảnh người giáo viên trong thang bậc nghề nghiệp xã hội.
Cô trò Trường THPT Quan Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: NTCC |
Cũng không loại trừ việc lan truyền những thông tin hình ảnh tiêu cực về trường hợp cá biệt, giáo viên… trên mạng xã hội một cách thiếu ý thức và tính xây dựng cũng để lại ấn tượng xấu làm giảm sự tôn trọng đối với nghề.
Về phía gia đình, các bậc phụ huynh ngày càng trở nên bận rộn, có xu hướng không tham gia, hỗ trợ giáo viên quản lý hành vi của con em (kiểu trăm sự nhờ cô). Điều này khiến giáo viên chịu nhiều áp lực quản lý lớp học và duy trì kỷ luật, trong bối cảnh không thể sử dụng kỷ luật truyền thống nhưng cũng chưa thực sự thành thạo hình thức kỷ luật tích cực. Họ trở nên cô đơn, bất lực và kiệt sức khiến vai trò không được đánh giá đúng.
Quá trình đổi mới giáo dục ngày càng trao quyền và tôn trọng người học. Các em được khuyến khích bộc lộ suy nghĩ cảm xúc, quyền đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên. Người thầy từ vai trò trung tâm trí thức chuyển sang người hướng dẫn, gợi mở, truyền cảm hứng cho người học trên hành trình khám phá kiến thức.
Điều này có mặt tích cực là làm cho khoảng cách mối quan hệ thầy trò trở nên thân thiết nhưng mặt trái của nó kết hợp với việc thiếu hụt trong giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo đã dẫn đến những hành vi thiếu tôn trọng kiểu “bằng vai phải lứa” hay “cá mè một lứa” giữa thầy với trò.
Sự phát triển thần kỳ của công nghệ thông tin và trí thông minh nhân tạo khiến cách tương tác giữa học sinh và giáo viên thay đổi. Nếu trước đây, với mọi khó khăn, vướng mắc, học sinh sẽ tới gặp thầy cô để được giải đáp, thì bây giờ các em có thể ngồi tại chỗ và tìm ra đáp án cho câu hỏi của mình với sự giúp đỡ của công cụ AI như ChatGPT. Điều này làm giảm sự kết nối, phụ thuộc của học trò vào người thầy. Đồng thời gián tiếp làm giảm đi tầm quan trọng, sự tôn trọng truyền thống mà người thầy đáng được nhận.
Hiếu học và kính trọng người thầy luôn là đạo lý cơ bản của người Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Minh |
Chúng ta đã bàn nhiều về chủ đề “tôn sư trọng đạo”, nhưng có lẽ nhiều người chưa nghĩ đến những hậu quả của việc thiếu “tôn sư trọng đạo” ảnh hưởng tới xã hội ra sao. Việc suy giảm sự tôn trọng giáo viên hiện nay xảy ra ở mức báo động khiến mức độ hài lòng với công việc của nhà giáo ở mức thấp.
Nhiều giáo viên giỏi phải tranh đấu với suy nghĩ “bỏ nghề” chỉ vì mức lương nhiều khi chỉ bằng một nửa của công nhân và không thể đủ trang trải cuộc sống. Môi trường của giáo viên ngày càng trở nên áp lực. Cùng với sự thiếu tôn trọng, giáo viên cảm thấy thiếu hỗ trợ, bị quản lý giám sát chặt chẽ và có thể bị lan truyền hình ảnh cá nhân lên không gian mạng một cách vô ý thức.
Đội ngũ giáo viên là bộ máy cái tạo ra những “con người mới” với năng lực và tư duy tương lai. Tập hợp những con người mới với phẩm chất và năng lực phù hợp sẽ tạo ra một xã hội mới. Thử nghĩ xem, nếu giáo viên giỏi đều muốn bỏ nghề, tương lai con em chúng ta đi về đâu? Liệu ai giúp học sinh có tư duy phản biện, tinh thần đổi mới sáng tạo, tri thức để tạo ra giá trị mới và thành công trong cuộc sống?
Đã có những nghiên cứu chỉ ra, việc tôn trọng giáo viên có tác động mạnh mẽ đến chỉ số hạnh phúc trong xã hội. Thậm chí có người còn khẳng định chỉ số hạnh phúc của bất kỳ một quốc gia nào cũng phụ thuộc vào cách xã hội đó ứng xử, tôn trọng với người thầy.
Chẳng hạn như Phần Lan - quốc gia với hệ thống giáo dục được đánh giá cao trên toàn thế giới nhờ sự tập trung vào bình đẳng, tự chủ giáo viên và quy trình học tập cá nhân hóa. Giáo viên ở Phần Lan được đào tạo bài bản, nghề nghiệp nhận sự tôn trọng cao từ xã hội nên lựa chọn công tác giảng dạy trở thành một trong những định hướng nghề nghiệp phổ biến nhất ở những người trẻ.
Vì giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tương lai xã hội bằng việc giáo dục và định hình nhân cách thế hệ tiếp theo nên khi thầy cô được tôn trọng sẽ cảm thấy trân trọng, hài lòng hơn với nghề nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, khiến họ có động lực và cam kết cống hiến nhiều hơn.
Khi xã hội tôn trọng giáo viên bằng cách ghi nhận và trả công xứng đáng sẽ thu hút nhiều cá nhân tài năng đến với nghề giáo. Điều này quay ngược trở lại cải thiện chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, trực tiếp ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của thị trường lao động và nền kinh tế xã hội.
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Nhưng ngay cả khi trí thông minh nhận tạo có thể hiểu và trả lời trôi chảy những câu hỏi của chúng ta, chúng vẫn thiếu đi sự ấm áp, đồng cảm. Trí thông minh nhân tạo không thể có khả năng phát hiện vấn đề của người học và giải quyết linh hoạt như các thầy cô. Không thể tạo ra cảm giác thấy được quan tâm và hỗ trợ trong quá trình học tập của người học.
Không thể nuôi dưỡng niềm yêu thích học tập với một chủ đề môn học hay cũng chẳng thể dạy được những bài học về giá trị sống, kỹ năng sống như đương đầu hiệu quả với nỗi thất vọng hay sự thất bại.
Tuy vậy, mỗi giáo viên thế kỷ 21 cần có ý thức cập nhật bản thân với những năng lực cảm xúc xã hội, phương pháp để học tập suốt đời và những kỹ năng công nghệ để có thể sử dụng, khai thác hiệu quả trí thông minh nhân tạo phục vụ quá trình dạy học của mình. Đây là điều quan trọng vì nếu chúng ta chỉ giáo dục học sinh ngày hôm nay sẽ đánh cắp tương lai, ngày mai của các em. Và đánh cắp luôn cả tinh thần “tôn sư trọng đạo” của xã hội.
Khi tinh thần “tôn sư trọng đạo” được củng cố, sẽ lan tỏa thành bầu không khí tôn trọng, đánh giá cao công tác giáo dục. Điều này thúc đẩy phong trào xã hội hóa giáo dục và tinh thần học tập suốt đời của những cá nhân.
Tác giả bài viết: PGS.TS Trần Thành Nam (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội)
Ý kiến bạn đọc