- Thời gian triển khai, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới đối với lớp 1 đang đến gần. Vậy công tác chuẩn bị của tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện đến đâu, thưa ông?
- Để chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là đối với lớp 1 trong năm học tới; Sở GD&ĐT Tuyên Quang đã triển khai công tác chuẩn bị trên mọi phương diện:
Trước hết, Sở tham mưu cho tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới; Phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động tham mưu với tỉnh ban hành đề án sắp xếp lại các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo hướng tinh gọn. Theo đó, tỉnh giao chỉ tiêu và thực hiện theo lộ trình từng năm một, tiến hành dồn các điểm trường lẻ về điểm trường chính tại các cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Tính đến thời điểm này, tỉnh đã dồn ghép được hơn 100 điểm trường lẻ đối với giáo dục phổ thông, chủ yếu là tiểu học. Việc dồn ghép giúp học sinh có điều kiện tốt hơn khi học môn Ngoại ngữ, Tin học và các hoạt động giáo dục khác theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, cũng khắc phục phần nào tình trạng thiếu giáo viên tiểu học như hiện nay. Đồng thời, giúp cho việc đầu tư về cơ sở vật trường lớp, trang thiết bị dạy học được tập trung hơn.
Riêng về đội ngũ giáo viên, Sở chủ động phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, rà soát lại đội ngũ trên địa bàn toàn tỉnh và cân đối với nhu cầu thực tế để xác định lộ trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng để có đội ngũ tốt nhất, nhằm đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, mặc dù giáo viên lớp 1 đã bảo đảm số lượng và chất lượng cho năm học tới nhưng theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới, Tuyên Quang còn thiếu khoảng 900 – 1.000 giáo viên tiểu học. Tỉnh đã báo cáo về Bộ GD&ĐT và Bộ phối hợp với Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung giáo viên cho địa phương. Hiện nay, đang chờ ý kiến của Thủ tướng.
Cùng với đó, Sở GD&ĐT đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Chúng tôi quan niệm, nếu cán bộ quản lý và giáo viên không nắm chắc chương trình thì không thể truyền tải hết mục tiêu, nội dung bài học đến học sinh, dù chương trình và sách giáo khoa có hay, tốt đến mấy.
Có thể nói, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới của tỉnh Tuyên Quang được thực hiện bài bản, đúng tiến độ.
Ông Nguyễn Minh Anh Tuấn Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang |
- Ông có nhắc đến dồn dịch điểm trường, vậy làm thế nào để chủ trương này được thực hiện nghiêm túc, không phải là dồn dịch cơ học, máy móc?
- Phải khẳng định, chúng tôi không thực hiện dồn dịch cơ học. Tuyên Quang có thuận lợi từ nhiều năm nay: Tỉnh luôn là một trong những điểm sáng về làm đường giao thông nông thôn, đặc biệt là bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Do đó, khi dồn ghép các điểm trường, học sinh không phải đi quá xa; hoặc nếu có đi xa hơn một chút, các em cũng không phải đi trên những con đường xấu.
Ngoài ra, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; đặc biệt là thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, thực hiện nghiêm túc các chế độ chính sách đối với nhà giáo và học sinh. Tất cả những yếu tố trên là nền tảng, điều kiện thuận lợi để chúng tôi thực hiện tốt chủ trương dồn dịch các điểm trường. Chủ trương này được phụ huynh và nhân dân ủng hộ.
- Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới có nội dung về giáo dục địa phương. Việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương đã được Sở GD&ĐT thực hiện đến đâu?
- Sau khi Bộ GD&ĐT có văn bản chỉ đạo biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, Sở GD&ĐT Tuyên Quang đã tham mưu với tỉnh thành lập Ban biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Hiện nay, chúng tôi đang tổ chức biên soạn theo đúng lộ trình và theo hướng dẫn của Bộ. Dự kiến tháng 3/2020, sẽ tập huấn cho giáo viên, trước hết là giáo viên khối tiểu học về dạy học chương trình giáo dục địa phương.
- Một trong những nội dung đang được dư luận quan tâm đó là, lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 cho năm học tới. Sở đã xúc tiến việc này như thế nào, thưa ông?
- Trước hết, chúng tôi đã đề nghị cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên nghiên cứu kỹ dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về việc lựa chọn sách giáo khoa. Sở cũng chủ động liên hệ với các nhà xuất bản, tác giả của những bộ sách giáo khoa đã Bộ GD&ĐT phê duyệt, bố trí thời gian về trao đổi, giới thiệu với cán bộ, giáo viên trên toàn tỉnh. Qua đó, cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên có cái nhìn tổng quan và có sự so sánh giữa các bộ sách với nhau; từ đó có cơ sở để lựa chọn bộ sách giáo khoa tốt nhất và phù hợp nhất.
- Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Minh Anh Tuấn
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang