Nếu được phê duyệt thành lập Quỹ, đây sẽ là trường ĐH đầu tiên của cả nước thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Khẳng định nhiều nước phát triển đều thành công nhờ các quỹ đầu tư mạo hiểm, tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Mạng lưới Cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tại Việt Nam, hệ thống pháp luật liên quan đến nội dung này chưa hoàn thiện.
Hiện, chúng ta có nhiều sản phẩm khoa học từ các nhà trường, viện nghiên cứu, nhu cầu doanh nghiệp cũng lớn, nhưng vẫn thiếu nhà đầu tư để có thể ươm tạo, hoàn thiện, giải mã công nghệ, cũng như đầu tư hỗ trợ người khởi nghiệp.
Với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, TS. Nguyễn Quân cho rằng, nhà trường có tiềm năng nghiên cứu, ứng dụng, triển khai, chuyển giao công nghệ lớn.
Ở vị trí xếp hạng trong top 300 trường ĐH hàng đầu Châu Á, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội luôn đi đầu trong nhiều lĩnh vực. Trong dịch Covid-19, Trường là đơn vị đầu tiên công bố bộ KIT xét nghiệm Covid-19. Phòng khử khuẩn, nhà trường đưa ra mô hình gần như đầu tiên. Máy thở BK-Vent ứng dụng trong hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do Covid -19 cũng được các giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nghiên cứu chế tạo.
Tuy nhiên, trường vẫn bị chậm sau cơ sở khác về quá trình hoàn thiện thương mại hóa, đặc biệt là sản xuất hàng loạt.
“Để thấy, nếu như có nguồn đầu tư, chúng ta có thể có đóng góp tốt hơn, có nhiều sản phẩm cho nền kinh tế hơn và kịp thời hơn” – TS Nguyễn Quân chia sẻ.
Liên quan đến nội dung này, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết, liên quan đến quy định pháp luật, sẽ sửa đổi, bổ sung để thuận lợi hơn cho việc ra đời, thành lập các Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, giúp phong trào khởi nghiệp sáng tạo của đất nước tốt hơn.
Chia sẻ của ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đối với trường ĐH có 3 nhiệm vụ quan trọng, đó là: đào tạo; nghiên cứu; chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm; trong đó khó nhất chính là biến kết quả nghiên cứu thành sản phẩm để đóng góp cho xã hội.
Trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Quỹ đầu tư khởi nghiệp, sáng tạo là một trong những thành tố quan trọng. Nhấn mạnh điều này, ông Hoàng Minh Sơn thông tin, bên cạnh Quỹ BK FUND, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đang xây dựng Đề án xây dựng Trung tâm chuyển giao công nghệ, với vai trò kết nối giữa nhà khoa học với doanh nghiệp; tạo thành một hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Theo dự thảo Điều lệ Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội – BK FUND, Quỹ này nhằm mục tiêu đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; các dự án tiềm năng trở thành doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; mang lại lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư và thúc đẩy phát triển xã hội; ưu tiên cho các nhóm start-up của các bộ và sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Việc đầu tư vào Quỹ này chỉ phù hợp với các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mức rủi ro cao tiềm tàng từ việc đầu tư của Quỹ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội góp vốn bằng quyền sử dụng thương hiệu “Bách khoa” và sở hữu số đơn vị Quỹ tương đương với tỷ lệ không đổi bằng 15% tổng vốn góp của Quỹ (cả trong trường hợp Quỹ tăng vốn, phát hành thêm chứng chỉ Quỹ).
Tại tọa đàm, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà quản lý đã cùng trao đổi, thảo luận về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mô hình quỹ đầu tư dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp spin-off và start-up; nền tảng công nghệ, hành lang chính sách, giải pháp kết nối đầu tư, huy động vốn...
Các ý kiến phát biểu tại tọa đàm sẽ được nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Điều lệ Quỹ. Công ty được giao quản lý Quỹ sau đó sẽ làm các thủ tục cần thiết để thành lập Quỹ BK FUND.
Dự kiến, Quỹ BK FUND sẽ được ra mắt vào ngày 10/10/2020, trong khuôn khổ chương trình “Bách Khoa ngày trở về 2020” - dịp để cựu cán bộ, cựu sinh viên Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cùng ôn lại kỷ niệm học tập, sinh hoạt tại Trường và cùng trao đổi các cơ hội, dự định hợp tác, kết nối trong tương lai.