Trường ĐH phải thay đổi cả tư duy và hành động

Chủ nhật - 06/01/2019 18:16 644 0
GD&TĐ - PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV – cho rằng: Để Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH phát huy hiệu quả trong thực tiễn, cần sự phối hợp hết sức đồng bộ giữa 3 bên: Cơ sở GDĐH; xã hội, người học và cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó, trường ĐH phải thay đổi cả tư duy và hành động.
Trường ĐH phải thay đổi cả tư duy và hành động

Thay đổi căn bản 3 vấn đề cốt yếu

- Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH mới được Quốc hội thông qua kỳ vọng sẽ có tác động thế nào đến GDĐH, thưa ông?

- Trước hết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH vừa được Quốc hội thông qua sẽ làm thay đổi căn bản cơ chế quản trị ĐH, từ mô hình quản lý Nhà nước can thiệp trực tiếp vào quá trình quản trị của các trường ĐH sang mô hình trao toàn bộ quyền quản trị nhà trường gắn tự chủ toàn diện với trách nhiệm giải trình cho các cơ sở GDĐH. Điều này sẽ dẫn đến thay đổi một cách căn bản 3 vấn đề cốt yếu trong quản trị của các cơ sở GDĐH:

Một là, thay đổi cơ sở để tồn tại và phát triển của các cơ sở GDĐH, từ chỗ dựa vào thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ được Nhà nước giao, chuyển sang phương hướng hoạt động nhằm cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của xã hội là người học, người sử dụng lao động và phải được xã hội chấp nhận;

Hai là, nguồn lực để phát triển của các cơ sở GDĐH từ chỗ dựa vào sự bao cấp của Nhà nước tuân thủ theo các chế độ phân bổ và sử dụng nguồn lực hạn hẹp từ ngân sách, chuyển sang cơ chế mở rộng nguồn thu không hạn định dựa vào kết quả cung cấp về số lượng và chất lượng dịch vụ được xã hội chấp nhận và sẵn sàng chi trả, bao gồm cả nguồn lực từ “khách hàng” là Nhà nước đặt hàng cho các cơ sở GDĐH cung cấp dịch vụ cho các đối tượng người dân được Nhà nước bao cấp.

Ba là, thay đổi cơ chế quản trị, điều hành các cơ sở GDĐH từ chỗ dựa vào cơ chế “xin được làm, cho phép làm” nên chỉ cần tuân thủ mà không phải chịu trách nhiệm giải trình, sang cơ chế tự mình quyết định làm gì, làm như thế nào để đáp ứng tốt nhất nhu cầu xã hội trên cơ sở tuân thủ luật pháp đã qui định và tự chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội.

Làm tốt cơ chế công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình

Trường ĐH phải thay đổi cả tư duy và hành động - Ảnh minh hoạ 2

- Theo ông, các cơ sở GDĐH phải làm gì để có thể nhanh chóng thích ứng được với cơ chế mới?

- Trước hết, phải thay đổi quan niệm của xã hội về cơ sở để tồn tại, phát triển của các cơ sở đào tạo - phải dựa trên dịch vụ mà cơ sở đó được người học, xã hội chấp nhận, sẵn sàng chi trả để theo học, không phải tồn tại dựa vào nguồn bao cấp ngân sách từ Nhà nước.

Muốn tồn tại, phát triển, các trường phải hướng đến tìm hiểu thực tế xã hội, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đang yêu cầu gì từ nguồn nhân lực; bản thân người học cần được trang bị kiến thức, kĩ năng gì để đáp ứng yêu cầu người sử dụng lao động…

Trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo khai thác thế mạnh, năng lực của mình, phải phát huy tối đa tính năng động, sáng tạo để cung cấp chương trình, nội dung đào tạo phù hợp với điều kiện của người học và yêu cầu của người sử dụng lao động.

Nội dung, chương trình đào tạo; kiến thức, kỹ năng mà các cơ sở đào tạo cung cấp cho người học không phải là tất cả những gì nhà trường có mà phải là những thứ người học, xã hội cần. Đáp ứng đúng yêu cầu người học, xã hội và người sử dụng lao động chính là tạo ra nguồn lực cho cơ sở GDĐH phát triển.

Thứ hai, phải thay đổi tư duy và hành động trong quản trị của các cơ sở GDĐH. Các cơ sở đào tạo phải tự đặt câu hỏi: tự mình phải làm gì và làm thế nào để phát triển tốt nhất chứ không còn là Nhà nước hay xã hội phải làm gì để cho mình phát triển.

Muốn vậy, phải khai thác, phát huy tối đa tính tự chủ, sáng tạo để khai thác tốt nhất các tiềm năng thế mạnh nội lực để cung cấp các dịch vụ đào tạo nhằm đúng vào nhu cầu xã hội, người học, người sử dụng lao động đang cần và mong muốn nhận được. Quyền tự chủ phải đi liền với tính tự chủ động sáng tạo của mỗi bộ phận, mỗi thành viên trong nhà trường sẽ là động lực cho phát triển của các cơ sở đào tạo.

Thứ ba, các cơ sở GDĐH thực hiện quyền tự chủ phải gắn liền với trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cũng như cam kết với xã hội, người học. Làm tốt cơ chế công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình là cơ sở quan trọng nhất tạo sức mạnh từ sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, đồng thời là cơ sở tạo niềm tin của xã hội, người học với các cam kết về chất lượng dịch vụ của cơ sở đào tạo. Đó chính là cái mang lại nguồn lực cho phát triển của các cơ sở GDĐH.

Trường ĐH phải thay đổi cả tư duy và hành động - Ảnh minh hoạ 3

Cần sớm được luật hóa

- Ngoài yêu cầu tự thân của các cơ sở GDĐH, Nhà nước và xã hội cần làm gì để Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả?

- Để sớm đưa Luật vào cuộc sống, Chính phủ cần sớm có nghị định hướng dẫn thực hiện Luật. Tư tưởng của Luật là trao quyền tự quyết, tự phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, năng lực, sáng tạo cho cơ sở GDĐH, thì trong hướng dẫn của Chính phủ và các cơ quan chủ quản phải mở ra được khuôn khổ, phương thức để các cơ sở GDĐH có thể thực hiện được thuận lợi nhất, tốt nhất quyền này.

Tự chủ GDĐH không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư ngân sách cho GDĐH mà là thay đổi phương thức đầu tư từ cơ chế cấp ngân sách theo qui mô (không theo chất lượng dịch vụ) chuyển sang cơ chế đặt hàng về các sản phẩm đào tạo mà xã hội cần Nhà nước bao cấp (các ngành nghề đặc thù cần cho xã hội nhưng người học, người sử dụng lao động không sẵn sàng chi trả, những đối tượng người học thuộc đối tượng chính sách xã hội cần được trợ giúp của Nhà nước…). Cơ sở đào tạo nào đáp ứng được các dịch vụ phù hợp với nhu cầu đặt hàng, được người học lựa chọn thì sẽ nhận được ngân sách đặt hàng từ Nhà nước.

Về phía xã hội, người học, người sử dụng lao động cũng phải thay đổi quan niệm: Để được hưởng dịch vụ đào tạo chất lượng phải chấp nhận chi phí đầu tư tương ứng; mặt khác, có quyền đòi hỏi, giám sát trở lại đối với cơ sở cung cấp dịch vụ GD-ĐT trong thực hiện đúng cam kết, đúng tuyên bố về chất lượng dịch vụ.

Cơ quan quản lý Nhà nước phải tăng cường vai trò là người đại diện cho xã hội trong giám sát tính minh bạch, thực hiện cam kết của cơ sở GDĐH để đảm bảo quyền lợi và niềm tin của người học, xã hội, người sử dụng lao động.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập316
  • Hôm nay23,485
  • Tháng hiện tại301,615
  • Tổng lượt truy cập51,657,574
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944