Tự chủ tài chính: Áp lực “tăng thu”?

Thứ sáu - 13/09/2019 23:19 377 0

Tự chủ tài chính: Áp lực “tăng thu”?

GD&TĐ - Việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học công lập ở Việt Nam được triển khai thí điểm và có những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, để phát huy cơ chế này một cách hiệu quả, trao quyền tự chủ và thực hiện quyền tự chủ ở các cơ sở giáo dục đại học cần có những giải pháp thiết thực hơn nữa.

Học phí là yếu tố quan trọng

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật số 34/2018/QH14) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Những điều chỉnh, sửa đổi bổ sung trong Luật mới được đánh giá là khá mạnh dạn, nhằm gỡ các nút thắt đối với lộ trình tự chủ đại học của Việt Nam, tạo một môi trường học tập tốt hơn cho sinh viên. Tuy nhiên, có khá nhiều vấn đề mà dư luận quan tâm, đặc biệt là các em sinh viên, đó chính là mức học phí của các trường sau tự chủ.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Luật khẳng định rõ việc quyết định học phí là quyền của các trường. Đây là yếu tố rất quan trọng, vừa bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo nhưng cũng phải mở hướng tiếp cận học đại học của người học.

“Thực tế đến nay, chính sách học phí của chúng tôi cũng cơ bản ổn định. Khi Nhà nước không cấp chi thường xuyên nữa thì học phí cũng sẽ bù vào đó một phần, vì vậy, việc nâng học phí là không tránh khỏi. Tuy nhiên, tăng học phí phải có lộ trình và phù hợp với khả năng chi trả, tiếp cận của người học ở các vùng quê khác nhau. Đối với hầu hết sinh viên, các em có khả năng lựa chọn các chương trình học khác nhau, bên cạnh đó còn có học bổng hỗ trợ”, PGS.TS Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

“Học phí là yếu tố quan trọng nhưng để bảo đảm cho các đối tượng khó khăn hơn có khả năng tiếp cận, chúng tôi dùng đến quỹ học bổng. Với mức học phí như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào học phí sẽ không có những đột phá. Về lâu dài chúng ta cần có những giải pháp căn bản hơn về vấn đề tài chính”, PGS.TS Phạm Hồng Chương nói.

Về việc thay đổi học phí liệu có ảnh hưởng đến quá trình học tập của các em sinh viên hay không? PGS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là một trong những trường đại học đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ từ một phần đến toàn phần như hiện nay. Cho đến nay, nhà trường vẫn thực hiện theo đúng tinh thần Nghị định 86/2015 của Chính phủ. Mức học phí của nhà trường công khai, minh bạch và công bố học phí cho toàn khóa. Mức tăng không quá 10%/năm và thực tế hiện nay là khoảng 5%/năm.

Tự chủ tài chính: Áp lực “tăng thu”? - Ảnh minh hoạ 2
Cần cơ chế khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, xã hội đầu tư cho GD. Ảnh minh họa

Cần sớm ban hành quy định về định mức chi phí GD

Việc các trường đại học công lập thực hiện tự chủ tài chính bị áp lực tăng thu do ngân sách giảm cấp kinh phí. Điều này có thể dẫn đến tình trạng một số trường đại học công lập thu vượt, thu sai quy định, lạm thu các khoản thu ngoài quy định. Để kiểm soát được điều này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), cho biết: Mức thu học phí, thu dịch vụ tuyển sinh, các khoản thu dịch vụ khác đã được quy định tại Nghị định 86/2015 của Chính phủ. Đối với các cơ sở thí điểm tự chủ thực hiện theo quyết định phê duyệt thí điểm tự chủ cho mỗi trường.

 Việc xác định mức thu như vậy phải căn cứ vào định mức mức thu kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Ngoài ra, các trường cũng phải thực hiện chế độ về quản lý tài chính về kế toàn, kiểm toán, công khai minh bạch thông tin. 
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy

Tuy nhiên, khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH và sắp tới là Nghị định hướng dẫn luật có hiệu lực thì đối với các cơ sở GDĐH công lập sẽ thực hiện theo điều 65 của Luật này. Theo đó, các cơ sở GDĐH đáp ứng những quy định của Khoản 2 điều 32 của Luật này; đồng thời tự bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên của mình thì được tự chủ xác định mức thu học phí.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, các trường tự chủ được tự quyết học phí trước hết đã tuân theo đề án thí điểm tự chủ đại học được Chính phủ phê duyệt. Trong thời gian tới, khi các trường tự xác định mức học phí, để hài hòa giữa nhà trường và SV, không gây sức ép quá lớn về tài chính cho các trường, Nhà nước cần sớm ban hành quy định về định mức kinh tế kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí giáo dục đào tạo làm căn cứ để các trường ra được quyết định. Đồng thời các cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội có căn cứ để giám sát việc thực hiện của các trường về vấn đề này.

Điều kiện để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư

Trong quá trình tự chủ, bên cạnh những lợi ích mà tự chủ tài chính đem lại vẫn còn nhiều bất cập cần chỉnh sửa. Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn về cơ chế tài chính, trong Luật ghi rõ các cơ chế đầu tư của Nhà nước, chính sách về tài chính đặt hàng của Nhà nước, thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, cơ chế cạnh tranh, các trường có năng lực tốt, sử dụng quỹ có hiệu quả thì sẽ được cấp kinh phí. Hi vọng cơ chế này sớm được triển khai.

Bên cạnh đó, cần cơ chế khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, xã hội. Ví dụ hiện nay, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp mong muốn được hợp tác đầu tư trong đào tạo, nghiên cứu bằng việc xây dựng những phòng thí nghiệm, giảng đường, khu vực nghiên cứu phát triển. Nhưng quy trình thủ tục này chưa được hướng dẫn nên kéo dài, gây nản lòng các nhà đầu tư. Mong Nhà nước sớm có cơ chế, chính sách rõ ràng, để khuyến khích, tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào trường đại học.

Trong giai đoạn tiếp theo, chuyển đổi mạnh mẽ hơn theo hướng tự chủ đại học có khá nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội để các trường tận dụng phát triển. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, để chuẩn bị và tận dụng tốt cơ chế này, các trường nên tập trung kiện toàn bộ máy quản lý, quản trị của trường; xây dựng chiến lược phát triển; hoàn thiện hệ thống thông tin quản trị nội bộ, đặc biệt cần kết nối với Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT để tạo thành hệ thống cơ sở dữ liệu về GD-ĐT; thực hiện công khai, minh bạch các thông tin cũng như trách nhiệm giải trình từ phía nhà trường; phát triển hệ thống quản trị chất lượng đào tạo bên trong, khuyến khích các trường đăng ký kiểm định tất cả các chương trình đào tạo, kiểm định cơ sở đào tạo.

“Đối với các trường công lập lớn, có uy tín, đúng quy mô, quy củ thì nên có cơ chế cho phép các trường tự chịu trách nhiệm lớn hơn, minh bạch hơn, từ đó bảo đảm chúng ta có khả năng xây dựng những trường đại học tầm cỡ quốc tế”, PGS. TS  Phạm Hồng Chương chia sẻ.

Tác giả bài viết: Trịnh Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập817
  • Hôm nay29,751
  • Tháng hiện tại307,881
  • Tổng lượt truy cập51,663,840
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944