Nhiều phương thức
Mùa tuyển sinh năm nay, có tới 12 trường ĐH (không phải thành viên) sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM làm căn cứ xét tuyển bên cạnh hai phương thức chính là dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển học bạ. Ngoài ĐHQG TPHCM và ĐH Luật TPHCM hai năm nay đều yêu cầu thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường phải qua kỳ thi đánh giá năng lực, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) là trường ngoài công lập đầu tiên thực hiện việc tuyển 30% tổng chỉ tiêu của mình bằng kỳ thi đánh giá năng lực của riêng trường.
Theo PGS.TS Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng HIU, mục tiêu để nhà trường mạnh dạn thực hiện phương thức xét tuyển mới này là gia tăng cơ hội cho thí sinh, tuyển chọn được những SV thật sự xuất sắc, ưu tú từ nhiều trường THPT chuyên, trường năng khiếu trên cả nước.
Bên cạnh phương thức tuyển sinh bằng kỳ thi đánh giá năng lực, nhiều trường ĐH cũng đã dành khá lớn chỉ tiêu (5 - 10%) cho việc xét tuyển thẳng với những HS đạt giải Olympic, HS giỏi quốc gia, HS đạt giải quốc tế, xét kết quả kỳ thi SAT, kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả học tập 3 năm THPT… Đặc biệt, có trường còn sử dụng phương thức tuyển sinh hoàn toàn mới như ĐH Nha Trang.
Phương thức tuyển sinh lần đầu tiên ĐH Nha Trang được áp dụng là dùng điểm xét tốt nghiệp năm 2019 (70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 + điểm ưu tiên, khuyến khích).
Theo TS Tô Văn Phương - Phụ trách Phòng Đào tạo ĐH Trường ĐH Nha Trang, trong cách làm mới này, sẽ không còn xét theo tổ hợp 3 môn xét tuyển mà chỉ có một cột điểm (điểm xét tốt nghiệp) nhưng phản ánh ở kiến thức và năng lực bao quát của HS THPT. Mục tiêu của phương thức xét tuyển mới mẻ này là nhằm tìm kiếm được những SV ưu tú, thật sự giỏi đăng ký vào học.
Tìm thông tin tuyển sinh. Ảnh minh họa |
Hướng đến mục tiêu chất lượng
Mùa tuyển sinh năm nay ghi nhận rất nhiều trường đã giảm tỉ lệ tổng chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức học bạ của trường để gia tăng thêm nhiều phương thức xét tuyển mới như: Dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực, kết quả kỳ thi SAT hoặc dùng điểm xét tốt nghiệp của thí sinh.
Nhìn nhận về sự dịch chuyển phương thức tuyển sinh của nhiều trường, TS Trần Đình Lý - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng - đó là xu thế chung, tất yếu mà các trường phải hướng đến khi mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực đang dịch chuyển từ lượng sang chất.
“Rõ ràng, với phương thức tuyển sinh dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM hay của riêng trường tự tổ chức, việc qua “hai vòng” kiểm tra năng lực học tập, kỹ năng... chắc chắn sẽ cho các trường áp dụng phương thức trên có được những SV đáp ứng được kỳ vọng cho các ngành mũi nhọn của trường. Nói thế không có nghĩa chúng ta phủ nhận kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia, bởi tất cả các trường vẫn đang dành từ 80 - 90% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia. Sự gia tăng phương thức tuyển sinh ở đây không chỉ là gia tăng cơ hội cho mọi thí sinh, mà còn hướng đến mục tiêu chính là gia tăng chất lượng nguồn tuyển trước đào tạo” - TS Lý cho biết.
Đồng tình với quan điểm với TS Trần Đình Lý, TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn bày tỏ: Việc nhiều trường ĐH đang dành một phần nhỏ trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh của mình cho các phương thức tuyển sinh mới là nhằm kiếm tìm những SV thật sự giỏi, xuất sắc về cho mình.
“Thực tế, việc sử dụng đa dạng phương thức tuyển sinh không chỉ tăng nguồn tuyển có chất lượng, mở rộng thêm nguồn tuyển cho nhà trường, mà còn giúp giảm áp lực cho các thí sinh đang sắp bước vào kỳ thi THPT rất nhiều khi các em có nhiều hơn các sự lựa chọn.
Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc các trường CĐ sẽ khó khăn hơn trong nguồn tuyển của mình. Vẫn biết các trường CĐ chủ yếu tuyển sinh dựa vào học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh, nhưng việc có quá nhiều cơ hội bước chân vào cánh cửa ĐH ít nhiều sẽ tác động đến định hướng nghề nghiệp, suy nghĩ của HS. Điều này buộc các trường Cao đẳng cũng phải bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt nguồn tuyển với các trường ĐH ngay từ những ngày đầu mùa tuyển sinh” - TS Lê Lâm nêu rõ.