Khẳng định tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng giáo viên, CBQL giáo dục cũng như vai trò của các trường sư phạm trong công tác bồi dưỡng đội ngũ thực hiện chương trình GDPT mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng thời lưu ý cụ thể từng nhóm đối tượng được bồi dưỡng: lãnh đạo sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT; giảng viên sư phạm cốt cán; đội ngũ giáo viên phổ thông và hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông. Cùng với đó là thiết kế chương trình bồi dưỡng phù hợp cho từng nhóm đối tượng này.
Với nhóm giảng viên sư phạm cốt cán, theo Bộ trưởng, việc bồi dưỡng nên đi vào kĩ thuật, phương pháp. Ví dụ nội dung tích hợp, không phải nói tích hợp là gì, lý thuyết về tích hợp mà hướng dẫn thực hiện tích hợp như thế nào trong các tình huống khác nhau… Các giảng viên cốt cán đồng thời tham gia tích cực vào biên soạn chương trình bồi dưỡng giáo viên… Khuyến khích chọn thầy cô giỏi ở phổ thông để tham gia cùng nhóm giảng viên cốt cán.
Quan điểm của Bộ trưởng là xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng cho từng nhóm đối tượng một cách thiết thực, khả thi, hiệu quả. Ưu tiên chuyên đề thiết thực, cấp bách trước. Những chuyên đề quan trọng nhưng chưa cấp bách thì có lộ trình thực hiện; làm theo cách cuốn chiếu; đi theo hướng cạnh tranh. Khung chuyên đề thống nhất toàn quốc.
Đến năm 2021, 35.000 giáo viên phổ thông cốt cán được bồi dưỡng. Ảnh minh họa. Internet |
Chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thành – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) - đối tượng bồi dưỡng đến năm 2021 theo 9 mô-đun cho đội ngũ cốt cán là khoảng 800 giảng viên sư phạm, 1.000 CBQL cấp sở/phòng cốt cán, 4.000 hiệu trưởng và 35.000 giáo viên phổ thông cốt cán. Đối tượng đại trà, đến năm 2021 sẽ bồi dưỡng khoảng 3.500 CBQL cấp sở/phòng; khoảng 28.000 hiệu trưởng và khoảng 900.000 giáo viên phổ thông.
Yêu cầu bồi dưỡng giáo viên, CBQL gồm: Thứ nhất, phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên (Thông tư 20). Trong đó có xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; tư vấn và hỗ trợ học sinh; ứng dụng CNTT, khai thác sử dụng thiết bị dạy học, giáo dục.
Thứ 2 là tăng cường năng lực quản trị cho CBQL (thông tư 14); trong đó có tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường; quản trị hoạt động dạy học, giáo dục học sinh; quản trị cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục; quản trị chất lượng giáo dục trong nhà trường.