Những giáo viên này đã, đang và sẽ mang đến những mùa xuân tri thức cho rẻo cao này.
Khởi sắc giáo dục vùng cao
24 năm gắn bó với vùng cao, cô Đỗ Thị Xuân - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Tả Lèng (Tam Đường, Lai Châu) – nhớ lại thời điểm mới về trường nhận nhiệm vụ. Ngày ấy, đường sá đi lại khó khăn; thôn, bản chưa có điện thắp sáng. Mỗi khi đến điểm trường, giáo viên chỉ còn cách “cuốc bộ”. Bà con chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đa số thuộc hộ nghèo. Học sinh ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm… Khó khăn của giáo viên vùng cao nhiều vô kể và không thể cân đong, đo đếm.
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương phải cho học sinh nghỉ học. Việc dạy – học trực tuyến khó có thể triển khai với học sinh dân tộc, vì các em không đủ thiết bị để học. “Chúng tôi phải đến từng thôn bản, hộ gia đình để giao bài cho học sinh.
Sau đó, hẹn 2 ngày sau đến chữa và thu bài chấm cho các em; đồng thời giao thêm bài mới. Đều đặn, ít nhất mỗi tuần 2 lần, thầy cô “đến tận ngõ, gõ từng nhà” để làm công việc này, chỉ mong các em duy trì được nếp học, để kiến thức không bị “rơi rụng”” – cô Xuân chia sẻ, đồng thời cho biết: Ngày nắng còn đỡ vất vả. Ngày mưa, giáo viên phải đi bộ 2 - 3 giờ mới đến được gia đình học sinh.
Nhớ lại kỷ niệm cách đây 20 năm, cô Xuân chia sẻ: Đó là khóa đầu tiên cô đứng trên bục giảng và dạy lớp 5. Nhìn những học trò của mình bé xíu, đen nhẻm phải gùi chăn, chiếu, gạo củi, xoong nồi trên lưng đến trường, cô không khỏi trắc ẩn. Sau mỗi buổi học, các em thường rủ nhau lên rừng lấy măng và rau để tự lo cho bữa ăn hằng ngày. Nếu không may bị ốm, các em chỉ biết gọi cô.
“Thời điểm đó, tôi vừa là giáo viên, vừa là mẹ, bạn và cũng vừa là “y sĩ” cho học trò của mình. Đáp lại tình yêu thương của cô, các em rất ngoan ngoãn, vâng lời” – cô Xuân bộc bạch.
Cũng như nhiều giáo viên vùng cao, cô Xuân không chỉ dạy chữ, mà còn “dạy người”. Dạy học sinh từ lời ăn tiếng nói, cho đến kỹ năng sống… “Chúng tôi thường xuyên dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh để việc tiếp thu bài giảng dễ dàng hơn. Ngược lại, chúng tôi cũng phải học tiếng dân tộc để giao tiếp và tương tác tốt với phụ huynh học sinh. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”, cô Xuân chia sẻ.
“Nảy mầm” từ con chữ
Thầy Đỗ Văn Long có 26 năm ở Mèo Vạc (Hà Giang). Thầy đã góp phần mang đến những mùa xuân tri thức cho vùng rẻo cao này. Hiện, thầy là Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Xín Cái. Thầy Long nhớ lại, ngày mới đặt chân đến Mèo Vạc, khó khăn chồng chất khó khăn. Không đường, không điện, lớp học thì tạm bợ. Cung đường đến trường hiểm trở, thậm chí phải băng rừng, lội suối để đến được các điểm trường.
Có những lúc thầy Long thấy nản lòng, định về xuôi công tác hoặc kiếm một nghề gì đó. Nhưng rồi, nhìn học trò của mình thầy lại không lỡ “dứt áo ra đi”. Ánh mắt học trò đã níu thầy ở lại. “Tôi quyết tâm bám trường, bám lớp, đem ánh sáng tri thức cho con em đồng bào nơi đây. Có con chữ, tương lai của các em sẽ xán lạn hơn” – thầy Long chắc mẩm và tự hào nói: Giáo dục nơi đây ngày càng tươi mới. Nhận thức của bà con về sự học đã thay đổi. Tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng gần như không còn, giáo viên đỡ phải “trèo đèo, lội suối” để “vây bắt” học trò trở lại trường lớp, nhất là sau những ngày nghỉ Tết cổ truyền dân tộc.
Theo thầy Long, trước đây, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, việc duy trì sĩ số luôn là bài toán khó đối với các trường học ở vùng dân tộc. Việc giáo viên phải đến “từng ngõ, gõ từng nhà”, thậm chí lên nương, đến từng đồi ngô để vận động học sinh đến trường là chuyện không hề hiếm gặp. “Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi, đến hẹn, học sinh tự giác tới trường. Buổi đầu tiên đến lớp sau kỳ nghỉ Tết, sĩ số luôn đạt trên 95%” – thầy Long hồ hởi nói, đồng thời khấp khởi niềm tin: Cứ đà này, sự học nơi rẻo cao sẽ ngày càng khởi sắc, như hoa ban, hoa mận đua nở trắng rừng.
Cũng theo thầy Long, nhiều học trò của thầy đã trưởng thành. Có người là cán bộ từ cấp xã đến cấp huyện. Đặc biệt, nhiều học trò trở thành đồng nghiệp của thầy. Thầy tiếp tục truyền nhiệt huyết, lòng yêu nghề, mến trẻ cho biết bao giáo viên trẻ, nhất là những giáo viên mới vào nghề. “Tôi không giấu nghề, có bao nhiêu bí quyết dạy học ở vùng khó, đồng bào dân tộc thiểu số, tôi đều “bung lụa”, để các đồng nghiệp trẻ tham khảo và rút kinh nghiệm; từ đó chắt lọc, vận dụng vào thực tiễn giảng dạy của mình”, thầy Long dí dỏm nói.
Cùng suy nghĩ, cô Đỗ Thị Xuân không nề hà chia sẻ kinh nghiệm đứng lớp cho giáo viên trẻ. Bất kỳ giáo viên nào mới về trường công tác, cô luôn sẵn sàng hỗ trợ, từ cách quản lý lớp, phương pháp dạy học, cho đến cách giao tiếp, tương tác với phụ huynh học sinh. Cô thường khuyên giáo viên trẻ, dạy học ở vùng đồng bào, điều đầu tiên là học ngôn ngữ của người dân bản địa, sau đó hòa nhập với văn hóa địa phương. Điều đó giúp ích rất nhiều trong quá trình dạy học, giáo dục học sinh. Để học sinh dễ tiếp thu bài giảng, khi lên lớp, giáo viên nên lấy ví dụ từ thực tiễn cuộc sống của bà con như: Cây lúa, củ khoai, hạt ngô…, không nên viện dẫn điều xa lạ và những thứ học sinh chưa bao giờ biết đến, vì như vậy, các em sẽ khó hình dung và hiệu quả bài học không cao.
“Truyền lửa” nhiệt huyết
Là giáo viên, Tổng phụ trách Đội nên cô Bế Thị Bé Lan – Trường Tiểu học & THCS Cao Chương (Trùng Khánh, Cao Bằng) luôn biết cách truyền lửa và chia sẻ kinh nghiệm cho giáo viên mới vào nghề, nhất là những người lần đầu đến vùng khó công tác. Việc đầu tiên là giúp các bạn ổn định lập trường tư tưởng, để không nản chí, sờn lòng trước những khó khăn thử thách.
“Chúng tôi lập nhóm những giáo viên trẻ để hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, cuộc sống; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm giáo dục học sinh dân tộc, đổi mới phương pháp giảng dạy để cùng nhau bắt nhịp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ đó, mọi người sẽ yên tâm, tin tưởng, quyết bám trường, bám lớp, đem ánh sáng tri thức cho con em đồng bào”, cô Lan chia sẻ.
Là giáo viên trẻ, vừa được tuyển dụng đầu năm học 2021 – 2022, cô Ma Thị Huyền - quê huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) - chính thức trở thành giáo viên Trường Tiểu học Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang). Cô chia sẻ, ngày mới đặt chân đến trường, với bao điều bỡ ngỡ và lạ lẫm. Chỉ cần trải qua các cung đường, cũng có thể hình dung những vất vả, gian khó ở phía trước.
Tuy nhiên, cô Huyền luôn được ban giám hiệu, các đồng nghiệp đi trước chỉ dẫn, động viên và hỗ trợ trong công việc. Vì thế, cô đã vững tâm và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của một giáo viên trẻ. Cô được các đồng nghiệp truyền đạt kinh nghiệm giảng dạy, cách đổi mới phương pháp dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiện tại, cô dạy khối 4, 5 bộ môn Khoa học xã hội.
“Ban giám hiệu cùng một số đồng nghiệp dự giờ và nhận xét tiết dạy của tôi tốt. Mọi người đều động viên tôi tiếp tục phát huy và phấn đấu trong công việc. Những lời động viên ấy đã tiếp thêm động lực để tôi quyết tâm cống hiến tuổi trẻ của mình cho giáo dục vùng khó, đem con chữ đến với con em đồng bào dân tộc thiểu số”, cô Huyền bộc bạch, đồng thời khẳng định sẽ noi theo các bậc tiền bối, không ngại khó, ngại khổ, chỉ mong học trò của mình học hành đến nơi, đến chốn, để sau này cuộc sống được ấm no, hạnh phúc.
Từng dạy học ở Hà Nội và ở vùng thuận lợi, thế nhưng cô Bùi Thị Khuê (sinh năm 1996) đã quyết định về vùng khó để gắn bó với sự nghiệp “trồng người”. Hiện, cô là giáo viên trẻ nhất của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học An Lương (Văn Chấn, Yên Bái) và đang dạy lớp 1.
Những ngày đầu đứng lớp, cô Khuê gặp nhiều khó khăn vì trình độ tiếp cận bài học của học sinh chậm hơn so với dưới xuôi. Hơn nữa, bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò cũng là một trong những hạn chế khi giảng bài. Tuy nhiên, cô luôn được lãnh đạo nhà trường, các đồng nghiệp động viên, khích lệ và truyền lửa.
“Tôi học được từ các cô, chú, anh, chị đi trước phương pháp dạy học tích cực; đặc biệt với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần có phương pháp riêng, không thể áp dụng như học sinh thành phố. Tôi đã nhận thức rằng, ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất mà giáo viên vùng khó phải có là tình thương yêu, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì…” - cô Khuê bày tỏ.