Các nước đánh giá, lựa chọn SGK như thế nào?

Thứ bảy - 02/11/2019 07:41 560 0

Các nước đánh giá, lựa chọn SGK như thế nào?

GD&TĐ - Có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. Các nước này đều quy định rõ ràng về tiêu chuẩn đánh giá sách; tiêu chí chọn SGK… Từ nghiên cứu của các chuyên gia, GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, Chủ biên chương trình môn Sinh học - đã tổng hợp, chia sẻ kinh nghiệm của một số nước về vấn đề này…

Singapore: Các bộ sách đều có sự thống nhất

Theo quan điểm của Singapore, một khung chương trình có nhiều chương trình cơ sở để phù hợp với từng vùng, miền, do đó sẽ có nhiều bộ SGK để các trường lựa chọn sử dụng cho phù hợp.

SGK của Singapore có tính khoa học cao, là cơ sở để giáo viên vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, hiệu quả như: Dạy học hợp tác, dạy học theo dự án, dạy học sử dụng bản đồ tư duy... Các phương pháp dạy học này hướng học sinh đến việc hình thành các kỹ năng suy luận logic, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tự nghiên cứu, tự học. Tất cả những vấn đề trên thể hiện tính hiện đại hoá rất cao trong SGK của Singapore mà nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đang học tập.

Các lĩnh vực kiến thức trong chương trình khung của Singapore xây dựng trong mối quan hệ thống nhất, có sự kế thừa, thể hiện rõ quan điểm giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, sự tích hợp giữa kiến thức cơ bản và kỹ năng sống theo định hướng giáo dục của UNESCO. Các kỹ năng đó là: Giao tiếp; tư duy; đặt vấn đề và giải quyết vấn đề; vận dụng kiến thức khoa học vào cuộc sống hàng ngày; vận dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại; hội nhập và toàn cầu hoá.

Tuy có nhiều bộ SGK, nhưng các bộ sách đều có sự thống nhất, không mâu thuẫn với nhau. SGK thể hiện nhiều hình ảnh, mô hình, sơ đồ, kênh chữ ít nhưng lại rất đa dạng đặc trưng cho từng kiểu nội dung, kiến thức cần ghi nhớ. Đặc biệt SGK của các môn học thể hiện rõ vai trò hướng dẫn, gợi mở của giáo viên trong quá trình tổ chức hoạt động học trên lớp thông qua con đường kiến tạo từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. Học sinh được phát huy năng lực nghiên cứu để khám phá và hình thành kiến thức dưới các hình thức cơ bản từ cụ thể - hình ảnh - khái niệm.

Các nước đánh giá, lựa chọn SGK như thế nào? - Ảnh minh hoạ 2
 Ảnh minh họa/ INT

Hàn Quốc: Có 3 loại SGK

Theo chủ trương của chính phủ, Hàn Quốc có nhiều bộ SGK, nhất là sách liên quan đến các môn có kỳ thi quốc gia như Toán, Tiếng Hàn, Tiếng Anh... Hiện nay, Hàn Quốc có 3 loại SGK: Loại 1 - SGK do Bộ Giáo dục biên soạn và giữ bản quyền. Loại 2 - SGK được Bộ Giáo dục cấp phép và có thể sử dụng. Loại 3 là loại SGK có công nhận hoặc chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục.

Trong đó, loại 1 là loại SGK gần như được sử dụng ở tất cả các trường tiểu học và một số môn như: Giáo dục đạo đức, Tiếng Hàn, Lịch sử... được sử dụng trong các trường trung học cơ sở. Loại 2 được sử dụng nhiều ở các trường THCS, THPT. Nhìn chung, các loại SGK đều thiết kế theo mô hình hiện đại, nội dung sách theo hướng phát triển năng lực người học gắn với việc hình thành và phát triển các kỹ năng để tự lập trong cuộc sống….

Các tiêu chuẩn chung cho SGK và Sách hướng dẫn giáo viên tại Hàn Quốc gồm: Sự tuân thủ tinh thần của Hiến pháp quốc gia; Sự tuân thủ mô hình hành động giáo dục, chương trình; Không vi phạm bản quyền; Khả năng phổ biến của nội dung. Các tiêu chuẩn chung đánh giá SGK trên 6 lĩnh vực: Chương trình giảng dạy; Cách lựa chọn và tổ chức nội dung; Phương pháp giảng dạy và học tập; Diễn đạt và chú giải; Kế hoạch biên tập và hình thức của sách; Tính độc đáo.

Thái Lan: Sau thẩm định, SGK được dạy thí điểm trong 4 năm

SGK hiện hành của Thái Lan được bắt đầu biên soạn từ năm 2002, mỗi năm biên soạn mới một lớp. Hiện nay, Thái Lan sử dụng các bộ SGK do Bộ Giáo dục và các NXB tư nhân tổ chức biên soạn và xuất bản. SGK sử dụng trong nhà trường đều phải được OBEC (tổ chức trực thuộc Bộ Giáo dục có nhiêm vụ tổ chức kiểm định sách, cấp giấy chứng nhận cho phép SGK lưu hành trên thị trường) thẩm định.

Sau khi thẩm định, SGK được dạy thí điểm trong thời gian 4 năm. Nếu SGK được thị trường chấp nhận, OBEC cấp một giấy phép có giá trị 5 năm (Giấy phép được in ở bìa 4 của sách). Những bộ SGK không được OBEC cấp giấy chứng nhận vẫn được in, phát hành như một tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh.

Đặc điểm về tiêu chuẩn, tiêu chí đối với SGK của Thái Lan gắn với 4 chữ I: Information - Thông tin; Individualization - Cá nhân hoá; Interaction - Tương tác; Instant Feedback - Phản hồi tức thời.

Ngoài OBEC, việc thực hiện đánh giá SGK còn có cấp sở, cấp trường tham gia đánh giá và lực chọn để sử dụng. Tiêu chí chọn SGK của các trường ở Thái Lan như sau:

Về nội dung: Cơ bản, chính xác, cập nhật, có tính sư phạm, giáo dục cao; Bố cục trình bày: Hợp lý, dễ hiểu, có tính tương tác, sáng tạo; Ngôn ngữ: Rõ ràng, cô đọng, chính xác, đúng ngữ pháp, phù hợp lứa tuổi; Bài tập thực hành và hoạt động bổ trợ: Khuyến khích học sinh lựa chọn các hoạt động phù hợp, đáp ứng các tiêu chí học tập; Hình ảnh, minh họa: Chính xác, trực quan tạo hứng thú học tập; Khổ sách, co chữ, font chữ phù hợp với từng độ tuổi, từng cấp học.

Các nước đánh giá, lựa chọn SGK như thế nào? - Ảnh minh hoạ 3
 Ảnh minh họa/ INT

Trung Quốc: Định kỳ đánh giá SGK đã thông qua thẩm định

Bộ Giáo dục nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2001 đã ban hành biện pháp tạm thời về quản lý biên soạn và thẩm định SGK tiểu học, trung học. Văn bản này có 7 chương: Quy định chung; Tư cách và điều kiện biên soạn SGK; Tổ chức và phê chuẩn biên soạn SGK; Thẩm định sơ bộ và thử nghiệm SGK; Thẩm định SGK; Khen thưởng và xử phạt; Điều khoản thi hành.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong văn bản này là: Sau khi thẩm định sơ bộ, thông qua SGK, có thể tiến hành thử nghiệm trong phạm vi 400 lớp hoặc 20.000 học sinh. Trường hợp đặc biệt cần phải mở rộng phạm vi thử nghiệm, thì phải được sự phê chuẩn của cơ quan hành chính giáo dục của Quốc vụ viện. Việc thử nghiệm SGK phải được sự đồng ý của cơ quan hành chính giáo dục cấp tỉnh và của cơ quan hành chính giáo dục của địa phương sở tại ở khu vực thực nghiệm và phải báo cáo với cơ quan hành chính giáo dục của Quốc vụ viện. Cơ quan hành chính giáo dục của Quốc vụ Viện phụ trách việc theo dõi, đánh giá thử nghiệm SGK.

Cơ quan hành chính giáo dục của Quốc vụ viện thành lập hội đồng thẩm định SGK toàn quốc để phụ trách việc thẩm định sơ bộ, thẩm định chính thức và thẩm định chương trình, SGK địa phương sử dụng liên tỉnh (khu tự trị, thành phố trực thuộc).

Cơ quan hành chính giáo dục cấp tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc thành lập các hội đồng thẩm định SGK tiểu học, trung học cấp tỉnh, phụ trách việc thẩm định sơ bộ và thẩm định chính thức chương trình và SGK của địa phương. Nếu được cơ quan hành chính giáo dục Quốc vụ viện ủy quyền hoặc ủy thác, sẽ đảm nhiệm công tác thẩm định sơ bộ chương trình SGK quốc gia…

Sau khi thẩm định SGK tiểu học, trung học, các hội đồng thẩm định phải đưa ra kết luận theo quy định dưới đây:

Thứ nhất: Thông qua. SGK cơ bản đạt được tiêu chuẩn thẩm định, sau khi sửa chữa theo ý kiến thẩm tra và được phê chuẩn, có thể cung cấp cho các trường lựa chọn và sử dụng.

Thứ 2: Sửa chữa để thẩm định lại. SGK chưa đạt tiêu chuẩn thẩm định, nhưng có đủ cơ sở và điều kiện chỉnh sửa, sau khi chỉnh sửa theo ý kiến thẩm tra, sẽ được thẩm định lại vào năm thứ hai.

Thứ 3: Không thông qua. SGK có vấn đề nghiêm trọng, không đủ cơ sở và điều kiện chỉnh sửa, không được thẩm định lại.

SGK đã được Hội đồng thẩm định toàn quốc thông qua và được cơ quan hành chính giáo dục Quốc vụ viện phê chuẩn, được phép đưa vào danh mục sách dùng để dạy học trong trường tiểu học, trung học và cung cấp cho các trường lựa chọn sử dụng.

SGK đã được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thông qua và được cơ quan hành chính giáo dục cấp tỉnh phê chuẩn, được phép đưa vào danh mục sách dùng để dạy học trong trường tiểu học, trung học của tỉnh (khu tự trị, thành phố trực thuộc) và cung cấp cho các trường lựa chọn sử dụng.

Cơ quan hành chính giáo dục quốc gia và cấp tỉnh định kỳ đánh giá SGK đã thông qua thẩm định, thúc đẩy SGK kịp thời phản ánh sự phát triển mới của kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật, hình thành cơ chế đổi mới SGK.

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn (ghi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập744
  • Hôm nay38,836
  • Tháng hiện tại316,966
  • Tổng lượt truy cập51,672,925
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944