Mô hình đào tạo luân phiên được các chuyên gia nhận xét là nhân tố then chốt giúp xây dựng các chương trình đào tạo hiện đại, thích ứng ở mức cao nhất với yêu cầu của xã hội và thị trường lao động.
Rèn kỹ năng làm việc
PGS.TS Phan Đình Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) - cho biết: Nền tảng của mô hình đào tạo luân phiên vài năm trở lại đây được nhiều trường đại học theo xu hướng ứng dụng triển khai, lồng ghép vào trong quá trình đào tạo nhân lực của mình dưới tên gọi “Học kỳ doanh nghiệp”. Sinh viên (thường là năm 3 & 4) khi tham gia Học kỳ doanh nghiệp được các trường gửi đến thực học tại doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định, kết hợp với Học kỳ thực tập nhằm hoàn thiện dần kỹ năng “thực chiến” trước khi ra trường.
“Hướng đi này tuy mới nhưng nhận được đánh giá cao từ các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng và cả sinh viên khi khả năng thích ứng với môi trường làm việc, khả năng hòa nhập thị trường lao động, kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên tốt hơn, chủ động và tự tin hơn”, PGS.TS Nguyên nói.
TS Nguyễn Đức Trí - Viện trưởng Viện Du lịch, Trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng nhìn nhận đào tạo luân phiên là sự chuyển đổi mô hình đào tạo từ chú trọng lý thuyết sang kết hợp thực hành, từ hướng theo công việc (task-oriented) sang xây dựng năng lực (competence-oriented), từ thực tập định kỳ sang thực hành song song mang đến cho sinh viên nhiều trải nghiệm.
“Không chỉ được tiếp cận các giải pháp đào tạo mới mẻ, hiện đại, mà quan trọng hơn, với mô hình đào tạo luân phiên, sinh viên sớm được trải nghiệm, gắn học với hành, thúc đẩy tương tác và nhanh chóng hòa mình với thị trường lao động khi ra trường. Nó hoàn toàn phù hợp và tương thích với hoạt động đào tạo mà các trường đại học tại Việt Nam đang theo đuổi, cũng như xu hướng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam”, TS Nguyễn Đức Trí đánh giá.
Đào tạo luân phiên sẽ tạo bước đột phá?
GS Jean-Marc Lavest - Giám đốc AUF châu Á – Thái Bình Dương, chia sẻ: Đào tạo luân phiên có thể hiểu là một kỳ thực tập từ một tới vài tuần nhằm chuẩn bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong môi trường làm việc.
Theo GS Jean-Marc Lavest, đào tạo luân phiên cũng có thể có những dạng thức khác rộng, sâu và chặt chẽ hơn, với nền tảng gắn kết ba đối tượng người học, nhà trường và người sử dụng lao động.
“Chúng ta có thể hình dung đó là một dạng hợp đồng hay thỏa thuận đào tạo chung, trong đó mỗi bên đều có những nhiệm vụ, quyền lợi và cam kết của mình, có sự công nhận chung về đóng góp của mỗi bên tham gia. Tại châu Âu và đặc biệt là tại Pháp, mô hình này càng ngày càng được hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa”, GS Jean-Marc Lavest nói.
Chia sẻ về việc đưa mô hình đào tạo này vào các trường đại học, ThS Nguyễn Thị Phương Thảo, Khoa Quản lý - Luật Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế & Quản trị kinh doanh (ĐH Thái Nguyên), cho rằng, hoàn toàn phù hợp và triển vọng khi có khả năng điều chỉnh chương trình đào tạo đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động.
Cụ thể, mô hình đào tạo luân phiên (hay mô hình Đại học - Doanh nghiệp) cho phép các trường đại học được quyền tự chủ, linh hoạt, mềm dẻo, có tính thích nghi cao, gắn chặt với thực tiễn sản xuất và xã hội. Nhà nước chỉ quản lý các vấn đề về cấp ngân sách và thanh tra - kiểm tra chất lượng đào tạo của nhà trường. Quyền quản lý đào tạo được chuyển giao cho mỗi địa phương với các tính chất đặc thù, tuy nhiên quyền quyết định chính vẫn thuộc về phía nhà trường.
“Đây là cơ hội để các trường chủ động phát huy thế mạnh, gắn đào tạo với thực tiễn phát triển của địa phương, khu vực và quốc tế, gắn đào tạo với sản xuất kinh doanh nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và tạo ra giá trị kinh tế.
Đặc biệt, từ mô hình trên, mối quan hệ thường xuyên giữa nhà tuyển dụng và trường đại học được đảm bảo. Qua đó, gắn kết được thực tiễn với tri thức khoa học hàn lâm, phát huy và tận dụng được nguồn lực từ xã hội. Các đơn vị này sẽ gián tiếp hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tạo ra sản phẩm trí tuệ, sử dụng thành tựu nghiên cứu của trường đại học để tạo ra giá trị kinh tế cho nhà trường và xã hội”, ThS Thảo đánh giá.
TS Lê Trung Chơn - Trường ĐH Bách khoa TPHCM (ĐHQG TPHCM) cũng nhìn nhận việc thiết kế chương trình đào tạo luân phiên không khó, mọi thứ tùy thuộc vào triết lý đào tạo của nhà trường mà có cách tiếp cận khác nhau. Còn về mặt pháp lý khi triển khai mô hình đào tạo luân phiên ông Chơn cũng cho rằng không có vấn đề gì.
Tuy nhiên, để mô hình hiệu quả và thành công, phụ thuộc rất nhiều vào thiết kế chương trình đào tạo. “Các trường cần thiết kế một chương trình đào tạo phù hợp để sinh viên vừa học tập tại trường vừa thực hành tại doanh nghiệp. Việc thiết kế chương trình không khéo, không đảm bảo sự cân bằng giữa các khối lượng và mô-đun kiến thức dễ thành đào tạo nghề chứ không phải đào tạo cử nhân, kỹ sư”, TS Chơn đánh giá.