Cần công khai, minh bạch
TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội nêu quan điểm: Cách làm tuyển sinh của một số trường như trên không sai, nhưng lẽ ra họ cần cân nhắc có nên làm hay không. Nếu làm như vậy sẽ có tác động như thế nào với thí sinh và xã hội.
Nhắc lại mùa tuyển sinh 2019, TS Trương Tiến Tùng cho hay: Nhiều trường cũng làm theo phương thức này, họ công nhận thí sinh đạt tiêu chuẩn vào trường, thậm chí cho nhập học luôn. "Tôi không tán thành với cách làm này, vì gây hoang mang dư luận. Trong giai đoạn này, việc cần làm là tạo tâm lý ổn định cho thí sinh, để các em yên tâm học tập, vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới" - TS Trương Tiến Tùng thẳng thắn nói.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng: Giấy báo trúng tuyển có điều kiện của một số trường đại học không sai, không vi phạm pháp luật và thuộc quyền tự chủ của các trường. Đó là cách làm của một số trường khi họ muốn sớm có được thí sinh.
"Thực ra, đây cũng là cuộc đua của các trường đại học trong tuyển sinh. Nói cách khác, đó là cách để họ "chiêu sinh" và sớm có được những thí sinh phù hợp. Tuy nhiên, giấy báo trúng tuyển cần phải tường minh, các điều kiện phải rõ ràng, minh bạch, tránh dùng những câu chữ "mập mờ", dễ gây hiểu nhầm trong dư luận" - đại biểu Hoàng Văn Cường trao đổi.
Về vấn đề này, theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), quy định tại Khoản 1, Điều 20 Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (ban hành kèm theo Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ngày 7/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) quy định: Hội đồng tuyển sinh trường gửi giấy thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học khi thí sinh đã đáp ứng đủ các điều kiện trúng tuyển theo quy định của Quy chế này và quy định của trường, trong đó ghi rõ những thủ tục cần thiết đối với thí sinh khi nhập học.
Khoản d Điều 6, Mục 2 cũng quy định: Thí sinh xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi đến trường trực tiếp hoặc bằng hình thức chuyển phát nhanh. Thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các trường khác.
Sẽ thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh
Lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học cho biết: Về nguyên tắc, các trường đại học khi ra thông báo như trên không vi phạm quy chế. Thực tế, đối tượng tham gia xét tuyển đại học không chỉ có học sinh phổ thông mà gồm cả thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT), người đã đủ điều kiện trúng tuyển và nhập học theo quy định. Thông báo của trường dành chung cho tất cả các đối tượng tham gia xét tuyển. Tuy nhiên, thông báo như vậy đang gây hiểu lầm cho thí sinh, xã hội. "Chúng tôi sẽ nhắc nhở các trường điều chỉnh rút kinh nghiệm, không để tiếp diễn tình trạng này" – lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học nói.
Liên quan đến việc xử lý những trường hợp này, lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học cho hay: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 đã trao quyền tự chủ, trong đó có tự chủ tuyển sinh cho các trường. Vì thế, nhà trường phải công khai minh bạch thông tin, có trách nhiệm giải trình và tự chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý Nhà nước và trước pháp luật. Bộ GD&ĐT sẽ không can thiệp, chỉ đạo bằng biện pháp hành chính.
Song song với công tác hướng dẫn, phổ biến, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh của các trường đại học. Nếu phát hiện cơ sở đào tạo nào làm sai quy định, việc xử lý sai phạm trong công tác tuyển sinh sẽ được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 29 của Quy chế tuyển sinh.
Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của mỗi trường. Cần nhấn mạnh, tôn trọng quyền tự chủ là cần thiết nhưng không có nghĩa tự chủ muốn làm gì thì làm. Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cần tăng cường thanh, kiểm tra công tác tuyển sinh và xử lý thật nghiêm nếu phát hiện sai phạm.