Nếu lo lắng giá sách cao nhiều người không mua được thì nên chăng khôi phục lại việc cho thuê mượn sách trong các nhà trường vừa tiết kiệm tiền, vừa tránh lãng phí in ấn.
Nhiều lợi ích
Quốc hội thông qua Nghị quyết số 88, với chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa (SGK), đồng nghĩa với việc sẽ có một số SGK cho mỗi môn học. Chủ trương này đã góp phần kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân cống hiến trí tuệ, tâm huyết để tham gia viết SGK. Kết quả là đã có bộ SGK xã hội hóa do đơn vị tư nhân bỏ tiền ra làm. Đó là bộ Cánh diều do Nhà xuất bản Sư phạm (Đại học sư phạm Hà Nội) thực hiện. Nội dung cũng được Hội đồng thẩm định đánh giá cao. Việc thực hiện xã hội hóa chắc chắn sẽ giúp hạn chế độc quyền SGK. Hiện 5 bộ sách lớp 1 đã đến các trường, quyền lựa chọn, thẩm định cuốn sách đó là của giáo viên.
Ngược trở lại thời gian trước, từ việc chỉ duy nhất Nhà xuất bản Giáo dục độc quyền xuất bản sách thì đến năm 2018 trên cả nước đã có thêm 6 nhà xuất bản được cấp phép xuất bản SGK. Xã hội hóa hoạt động xuất bản trong đó có việc viết sách cho thấy hướng đi đúng. Lần này, xã hội hóa với việc nhiều đơn vị tư nhân cùng tham gia viết sách hứa hẹn cạnh tranh giá cả. Khi được kiểm soát tốt và các doanh nghiệp làm SGK trách nhiệm, chia sẻ và đồng cảm với người học hơn thì việc hưởng lợi cuối cùng chính là học sinh và phụ huynh.
Tuy nhiên cũng không khỏi có băn khoăn về việc giá sách mới quá cao, phụ huynh vùng khó khăn không tiếp cận được. Lo lắng này không phải vô cớ khi giá sách tăng cao hơn giá cũ do không được trợ giá. Thực tế cho thấy đã có nhà xuất bản ý kiến rằng chi phí viết sách lớn, sách in đẹp, không có trợ giá thì việc giá sách cao là khó tránh khỏi. Đây cũng là băn khoăn của không ít người, đặc biệt là đối tượng lao động có thu nhập thấp. Việc tăng giá sách sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình. Thêm nữa, học sinh khu vực miền núi, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn thì sao?
Kế sách cho thư viện trường học
Nhiều học sinh các cấp học cho rằng, sách trong thư viện trường học đang quá ít, nên các bạn cũng không có lý do gì để vào thư viện cho dù nhiều trường học cũng có những phòng đọc khang trang sạch đẹp. Có một thực tế nữa là thư viện của hầu hết các trường học chỉ để cho học sinh vào đọc trong thời gian chuyển tiết khoảng 5 phút.
Nhiều hơn nữa là ra chơi giữa giờ thì cũng không đủ thời gian để các em có thể kịp đọc được gì vì có tìm được cuốn sách thích thì cũng đã hết giờ. Đầu sách, báo thư viện quá nghèo nàn, không hấp dẫn học sinh là một thực tế dễ nhận thấy. Hệ thống thư viện hoạt động kém hiệu quả không lôi cuốn học sinh đến đọc sách là một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến mai một văn hóa đọc trong nhà trường.
Nhân việc SGK mới và lo lắng giá sách lên cao, đẩy mạnh vai trò của hệ thống thư viện trường học là điều được nhiều nhà giáo dục có ý kiến. Họ cho rằng, một thời gian dài học sinh các cấp học dùng SGK thuê mượn của thư viện của nhà trường thì nay việc này không còn. Chính vì hệ thống thư viện không còn cho mượn sách nên vai trò thư viện trong trường mai một. Còn giờ đây, nếu lo giá SGK cao, có thể khôi phục lại việc hệ thống thư viện cho thuê mượn SGK, điều này vừa tiết kiệm chi phí cho học sinh và cũng tạo thêm việc để hồi phục vai trò chức năng thư viện trong các nhà trường.
Nhà giáo Nhân dân Lưu Xuân Giới (Quảng Ninh) cho rằng: Việc khôi phục cho mượn sách ở hệ thống thư viện trường học là điều nên làm, như vậy không chỉ giúp học sinh tiết kiệm chi phí, mà còn tăng cường vai trò hoạt động của hệ thống thư viện vốn dĩ đang rất kém hiệu quả hiện nay. Việc này đặc biệt có ý nghĩa đối với học sinh vùng dân tộc, khu vực kinh tế - xã hội còn khó khăn. Khôi phục việc cho thuê mượn sách ở thư viện trường học, từ việc lôi cuốn học sinh đến thư viện dẫn đến để các em quen dần với việc đọc sách cũng là con đường ngắn để đến với văn hóa đọc trong thời điểm này.
Phát triển văn hóa đọc, vai trò tác động của các nhà trường là rất lớn. Hình thành thói quen đến thư viện cũng gần với việc tiếp cận việc đọc trong học sinh. Từ năm 2015, trong nỗ lực tạo dựng thói quen đọc sách, Thư viện “Sách ơi mở ra” ở Hà Nội đã thu hút đông đảo học sinh đến không chỉ đọc sách mà còn rèn kỹ năng đọc sách, thảo luận, viết văn, thí nghiệm khoa học… Còn trong những ngày Covid-19 vừa qua, từ ý tưởng ATM gạo, đã có biến thể ATM sách, ATM này cũng đã thu hút đông đảo người tham gia. Nhưng người làm thư viện và ATM sách này không ngoài mục đích là tạo dựng thói quen đọc sách cho mọi người.