Ngày 28/8, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa.
Dự hội nghị có các đại biểu đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, Cục Di sản Văn hóa , Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, phòng GD&ĐT các quận huyện cùng đông đảo các thầy cô giáo.
Theo báo cáo của Ban tổ chức, những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã xây dựng một số chương trình giáo dục di sản chuyên sâu cho học sinh các cấp, nổi bật là hai chương trình “Em làm nhà khảo cổ” và “Em tìm hiểu di sản”.
Đây là hướng tiếp cận mới trong giáo dục di sản, bằng việc tạo ra những chương trình bổ ích, lý thú, chơi mà học, học mà chơi; giúp các em chủ động khám phá, tìm hiểu di sản.
Năm học 2018-2019 đã có hơn 19.000 học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa. Bên cạnh đó, số lượng học sinh tham quan tự do rất đông, ở cả hai khu di tích là khoảng gần 100.000 em.
Tại hội nghị, các đại biểu, các thầy cô giáo đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, trách nhiệm, đầy tâm huyết để cùng chung tay đẩy mạnh chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa.
Nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Sở GD&ĐT Hà Nội trong việc triển khai chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa. Chương trình có hiệu quả rất lớn trong quá trình tiếp nhận tri thức của các em học sinh.
Thầy Nguyễn Xuân Lý - Hiệu trưởng trường THCS Tân Lập (huyện Đan Phượng) nhận xét: Qua đợt học tập trải nghiệm tại khu di sản Hoàng Thành Thăng Long các em học sinh hiểu hơn về cội nguồn dân tộc, tự hào dân tộc, đoàn kết yêu thương nhau hơn.
Cô Hoàng Thanh Thủy- Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa) mong muốn Sở GD&ĐT tiếp tục tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về hai khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Cổ Loa cũng như các tìm hiểu các di tích khác của thủ đô Hà Nội.
Cô Thùy cũng đề xuất việc xây dựng website, kho tư liệu di sản để giúp học sinh yêu thích lịch sử có cơ hội thỏa sức khám phá, các em nếu không có điều kiện thời gian kinh phí đến tham quan di sản thì có thể tìm hiểu tại nhà.
Còn cô Nguyễn Thị Vân Trang - hiệu trưởng Trường liên cấp tiểu học và THCS Ngôi Sao mong muốn các khu di sản có nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế, học tập ngoại khóa gắn với rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, để các em có những hiểu biết sâu sắc hơn về văn hoá, đồng thời định hướng nghề nghiệp sau này cho các em.