Chính thức bỏ phụ cấp thâm niên giáo viên
Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ 1/7/2020 với nhiều thay đổi liên quan đội ngũ giáo viên. Cụ thể, giáo viên tiểu học phải có bằng đại học (thuộc ngành đào tạo giáo viên) trở lên. Đặc biệt, Điều 76 Luật Giáo dục 2019 cũng đã bỏ phụ cấp thâm niên nghề ra khỏi các chế độ dành cho giáo viên.
Theo đó, từ 1/7, giáo viên không còn được hưởng phụ cấp thâm niên. Cụ thể, Điều 76 Luật Giáo dục 2019 cũng đã bỏ phụ cấp thâm niên nghề ra khỏi các chế độ dành cho giáo viên.
Từ ngày 1/7, giáo viên sẽ được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
Cùng với đó, lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên được thực hiện từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030 với 2 giai đoạn: Từ 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025; Từ 1/1/2026 đến hết 31/12/2030, thực hiện nâng chuẩn để 100% giáo viên của các cơ sở giáo dục đạt trình độ chuẩn theo quy định.
Theo đó, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, THCS, THPT có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên (thay vì chỉ cần có bằng trung cấp với giáo viên mầm non và tiểu học, cao đẳng với giáo viên THCS như hiện nay).
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học, phải có bằng Thạc sĩ. Có bằng Tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.
Không thể xã hội hóa trường chuyên
Những ngày vừa qua, đề xuất "tư nhân hóa" trường chuyên Hà Nội Amsterdam của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành - một cựu học sinh của trường đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Song đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định "không thể xã hội hóa trường chuyên" bởi vấn đề trường chuyên là chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và đã được thể chế hóa trong Luật Giáo dục 2019.
Theo thống kê, hiện có hơn 2% học sinh cả nước đang theo học tại 76 trường chuyên. Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Bộ GD&ĐT đang yêu cầu các địa phương báo cáo quá trình phát triển hệ thống trường chuyên trên toàn quốc. Căn cứ vào những phân tích, nghiên cứu sẽ tổng kết đánh giá và xác định hướng đi căn bản cho hệ thống trường chuyên".
Rốt ráo chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020
Công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là nội dung quan trọng được trao đổi tại các buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ với một số tỉnh miền Bắc, trong tuần qua.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra một số lưu ý trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Trong đó, nhấn mạnh việc phân công cụ thể, rõ người, rõ việc từng thành viên trong Ban chỉ đạo theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Riêng Sở GD&ĐT – cơ quan thường trực Ban chỉ đạo – cần nâng cao trách nhiệm cũng như năng lực điều phối và tư vấn cho các đơn vị có liên quan; xây dựng một kế hoạch tầm soát các hoạt động; trong đó có phân công, phân nhiệm cho các đơn vị với tiến độ thời gian rõ ràng.
"Kỳ thi có nhiều khâu, nhiều công đoạn, nhiều người cùng tham gia nên chỉ cần một khâu có vấn đề là có thể ảnh hưởng đến toàn bộ kỳ thi. Bởi vậy, việc đúng vai, thuộc bài, phối hợp nhịp nhàng là rất quan trọng" – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT là sự kiện quan trọng, liên quan đến từng người, từng nhà, nên toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu công tác truyền thông về kỳ thi cần được chú trọng. Cùng với đó, năm nay có quy định mới là đối sánh điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ nên càng cần chú trọng việc đánh giá nghiêm túc, thực chất trong các nhà trường.
Địa phương cần xác định, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, kỳ thi này không chỉ đơn thuần là để xét công nhận tốt nghiệp THPT mà còn nhằm đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, có thêm sự tham gia của thanh tra Chính phủ và thanh tra cấp tỉnh. Năm nay, dù không huy động lực lượng từ ĐH tham gia coi thi, chấm thi, nhưng Bộ GD&ĐT huy động lực lượng này tham gia công tác thanh kiểm tra các khâu của kỳ thi.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: "Kỳ thi năm nay, cùng một đối tượng, một thời gian nhưng có 3 lực lượng thanh tra: (Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ và Thanh tra cấp tỉnh). Chúng tôi đã làm việc với Thanh tra Chính phủ để các khâu không bị chồng chéo. Cán bộ làm công tác thanh tra cũng được tập huấn để làm tốt nhiệm vụ."
Để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, Bộ trưởng cho rằng cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và các Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh; phối hợp chặt chẽ trong Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh. Ban Chỉ đạo phải phân rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, tránh chung chung. Đồng thời, cần quán triệt sâu rộng để tất cả mọi người tham gia vào kỳ thi nghiêm túc với công việc được giao.