Bộ GD&ĐT lựa chọn tủ sách cộng đồng do thầy Bùi Văn Đông, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Yên Mô (Ninh Bình) sáng lập. Tủ sách có hơn 4.000 đầu sách, phục vụ hơn 200 lượt bạn đọc hàng tháng, góp phần phát triển phong trào đọc sách cho HS và người dân huyện Yên Mô và các huyện lân cận.
Trong khuôn khổ chương trình, Bộ GD&ĐT đã về thăm Trường THCS Yên Thắng thực hiện phóng sự về tủ sách lớp học, thư viện trường học, Tủ sách dành cho cán bộ, GV, công nhân viên...
Cô giáo Lê Thị Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Thắng cho biết: Trong những giờ ra chơi, HS cứ vây quanh cô thủ thư. Khi tìm hiểu nguyên nhân, cô mới biết HS rất thích đọc sách. Cô và các thầy giáo trong trường tìm nhiều cách để xây dựng tủ sách cho HS.
Cô giáo Lê Thị Hải bên tủ sách lớp học (ảnh Trịnh Huyền) |
Trước hết là phải tìm nguồn xã hội hóa. Nhà trường đã kêu gọi mỗi em một quyển sách cho vào thư viện nhà trường và tủ sách lớp học. Khi các em ra trường, nếu các em thấy quyển sách nào hay thì tặng lại cho nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường kêu gọi phụ huynh HS, địa phương để xây dựng tủ sách.
Khi nhà trường đang băn khoăn làm sao để phát triển tủ sách trong nhà trường thì được sự hướng dẫn của thầy Bùi Văn Đông, nhà trường đã xây dựng được 12 tủ sách lớp học, mỗi tủ sách có giá trị 1,5 triệu. Với sự trợ giúp của nhà sách Đông Tây, NXB Phụ nữ, nhà trường được mua sách với giá rẻ (giảm giá từ 20% đến 30%). Vì thế, hiện tủ sách lớp học rất phong phú với nhiều đầu sách khác nhau phục vụ cho việc dạy và học của thầy cô và HS.
Theo cô Hải, để lan tỏa phong trào đọc sách, hàng tuần, hàng tháng, nhà trường tổ chức tuần lễ khuyến đọc như kể truyện theo sách, phát biểu về cuốn sách hay nhất, tác giả hay nhất mà các em thích.
Trong năm học này, để hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời, nhà trường phát động phong trào các sự kiện nói chuyện về Bác Hồ. Mỗi tuần 1 khối thi với nhau có BGK chấm thi kể chuyện về Bác. Các em tự chọn, tự biểu diễn và sân khấu hóa. Phần thưởng tuy rất nhỏ nhưng các em rất tự tin trên sân khấu. Đặc biệt các em rất sáng tạo trong các hoạt động sân khấu hóa. Vào dịp 20/11 nhà trường sẽ tổng kết phong trào này.
HS trong thư viện trường học (ảnh Trịnh Huyền) |
Là người từng làm hiệu trưởng nhà trường, thầy Đông cho biết thêm: Tủ sách lớp học Yên Thắng xuất phát từ việc làm sách hóa nông thôn của huyện Yên Mô. Hình thức là huy động từ HS, từ cộng đồng và từ HS cũ. Yên Thắng là 1 trong 7 trường thực hiện sách hóa nông thôn. Ngoài ra, nhà trường còn có dòng sách dành cho cán bộ, GV, công nhân viên. Mô hình này được Trường tiểu học Yên Thái làm rất tốt.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, bà Lê Liên Anh, chuyên viên Vụ GDTX cho biết: Mô hình tủ sách trong lớp học khởi phát từ mô hình sách hóa nông thôn. Năm 2015, Bộ GD&ĐT đã đứng ra đề cử chương trình sách hóa nông thôn của anh Nguyễn Quang Thạch với UNESCO. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đạt giải thưởng quốc tế về xóa mù chữ - giải thưởng danh giá nhất của thế giới về xóa mù chữ. Năm 2016, tại Pháp, UNESCO đã chính thức trao Giải thưởng Xóa mù chữ Quốc tế cho chương trình “Sách hóa nông thôn Việt Nam” trong khuôn khổ lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Xóa mù chữ.