UBND tỉnh Nghệ An vừa ra văn bản số 742/UBND – KT về việc xử lý vi phạm trong việc biệt phái, hưởng chế độ phụ cấp giáo viên biệt phái.
Trước đó, thực hiện Thông tư số 47/2011/TTLT – BGDĐT – BNV ngày 19/10/2011 của liên Bộ GD&ĐT - Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở GD&ĐT thuộc UBND cấp tỉnh; Phòng GD&ĐT thuộc UBND cấp huyện, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 6612/UBND – TH ngày 24/9/2012 để triển khai thực hiện.
Theo đó, các địa phương của Nghệ An triển khai biệt phái viên chức tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc về công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo. Viên chức biệt phái hầu hết đều là hiệu phó hoặc hiệu trưởng từ các trường, có chuyên môn vững vàng, được giáo viên tín nhiệm, cấp trên ghi nhận và lựa chọn kỹ càng để giúp việc cho Phòng.
Ngoài công việc, công tác chuyên môn, viên chức biệt phái còn trực tiếp làm giảng viên các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ viên chức ngành giáo dục; tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, học sinh năng khiếu hoặc tham gia giảng dạy một số tiết tại các cơ sở giáo dục trực thuộc.
“Viên chức biệt phái được hưởng lương, phụ cấp thâm niên nghề và các khoản phụ cấp khác theo quy định. Số lượng viên chức biệt phái ở mỗi Phòng Giáo dục và Đào tạo từ 4 đến 8 người”, công văn 6612 nêu rõ.
Tuy nhiên, ngày 12/7/2015, Thông tư số 47 hết hiệu lực thi hành (được thay thế bởi Thông tư số 11/2015/TTLT – BGDĐT – BNV ngày 29/5/2015). Do đó, Công văn số 6612 cũng hết giá trị. Tuy nhiên, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục thực hiện Công văn số 6612 của UBND tỉnh để thực hiện biệt phái và chi trả phụ cấp cho giáo viên biệt phái về công tác tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Từ thực tế trên, qua công tác thanh tra từ năm 2019 đến năm 2022, thanh tra tỉnh đã kết luận một số địa phương thực hiện chi trả phụ cấp cho giáo viên biệt phái về công tác tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện (Thị xã Hoàng Mai, huyện Nghi Lộc, huyện Kỳ Sơn) không đúng quy định.
Ngày 1/2/2019, UBND tỉnh giao UBND cấp huyện tự thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với công tác quản lý, sử dụng tài sản, ngân sách tại địa phương, tập trung vào việc chi trả phụ cấp ưu đãi cho giáo viên được điều động biệt phái, luân chuyển.
Đến năm 2023, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục ra công văn Công văn số 263/UBND – KT về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc biệt phái, hưởng chế độ phụ cấp giáo viên biệt phái và Thông báo Kết luận số 584/UBND – KT giao các sở, ngành, địa phương xử lý những vi phạm nêu trên.
Tuy nhiên, đến nay tình trạng nêu trên vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An.
Để xử lý triệt để vấn đề biệt phái giáo viên và chi trả phụ cấp không đúng quy định cho giáo viên biệt phái về công tác tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện, UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã:
Dừng thực hiện việc biệt phái giáo viên về công tác tại phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện theo Công văn số 6612; chuyển trả tất cả giáo viên biệt phái đang đang công tác tại các phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện trở về đơn vị trước khi được biệt phái.
Bên cạnh đó, kịp thời xây dựng kế hoạch vị trí việc làm tại các phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện đúng quy định tại Thông tư số 11/2015/TTLT – BGDĐT – BNV ngày 29/05/2015 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Giáo dục và Đào tạo thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Nếu cần tăng cường điều động, biệt phái viên chức về công tác tại các phòng Giáo dục và Đào tạo. Chủ tịch UBND cấp huyện nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch, xin ý kiến của Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo trước khi quyết định triển khai thực hiện.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện việc thu hồi kinh phí đã chi trả không đúng quy định cho giáo viên biệt phái về công tác tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện theo kết luận của cơ quan thanh tra (cấp tỉnh, cấp huyện).
Tại họp báo đầu năm 2024, liên quan đến vấn đề viên chức biệt phái, Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, công văn 6612 là văn bản hướng dẫn, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Thông tư 47 cũng đã hết hiệu lực. Vì vậy không thể căn cứ vào các văn bản này để thực hiện chi trả các chế độ cho viên chức biệt phái về Phòng GD&ĐT.
“Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo, căn cứ kết luận thanh tra, thực hiện đúng pháp luật, kinh phí chi trả không đúng quy định thì thu hồi. Nếu viên chức biệt phái về Phòng GD&ĐT không giảng dạy, thì không được hưởng phụ cấp đứng lớp. Nếu không ở vùng sâu vùng xa thì không được hưởng phụ cấp khu vực miền núi”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo.
Về vấn đề nhân sự làm việc tại Phòng GD&ĐT cấp huyện, ông Nguyễn Viết Hưng – Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết: “Nếu đơn vị nào thấy cấp thiết thì đề xuất để chúng tôi tham mưu, ưu tiên thi tuyển công chức cho các huyện, tăng thêm số lượng công chức cho Phòng GD&ĐT”.
Ý kiến bạn đọc