TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Khoảng cách giữa nội dung đào tạo của nhà trường với thực tế doanh nghiệp là thách thức đối với bất cứ cơ sở giáo dục đại học nào hiện nay. Tuy nhiên, cần có cái nhìn đa chiều, thực tế và khách quan về khoảng cách này.
- Ông đánh giá thế nào về mức độ đáp ứng của sinh viên ra trường với yêu cầu công việc tại doanh nghiệp hiện nay?
- Có thể nói, vấn đề đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu hiện nay luôn là định hướng, trăn trở của các trường. Hầu hết đơn vị đang nỗ lực chuyển mình để thực hiện trên mọi phương diện: Đổi mới nội dung, cách thức triển khai chương trình đào tạo, đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ người học (theo hướng vì sự thành công của người học, tăng cường kết nối cơ hội tạo việc làm, kết nối với đơn vị tuyển dụng…), xây dựng hệ thống chuẩn đầu ra cụ thể.
Về mức độ đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp cần có cái nhìn đa chiều, thực tế và khách quan. Về lý thuyết, cơ sở giáo dục đại học thực hiện khá nhiều chức năng và hoạt động đa dạng, không phải chỉ là “trung tâm đào tạo nghề” thuần túy. Do đó, có những yếu tố “tĩnh” và “độ trễ” nhất định trong mối quan hệ với những biến động, thay đổi, phát triển không ngừng về đòi hỏi liên quan đến công việc, đặc trưng nghề của các đơn vị tuyển dụng, đặc biệt là doanh nghiệp.
Nhất là trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng hiện nay thì “vòng đời” một chương trình đào tạo sẽ dài hơn rất nhiều so với “vòng đời” của công việc nào đó tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp luôn đặt ra yêu cầu, đặt hàng mới về nguồn nhân lực, trong khi trường đại học thì nguồn lực có hạn…
Cần phân biệt giữa công việc, việc làm, kỹ năng nghề nghiệp được đào tạo. Các tham số này cần phân tích, đánh giá phù hợp với bối cảnh, yêu cầu cụ thể từng đơn vị tuyển dụng; từ đó đưa ra nhận định chung về mức độ đáp ứng công việc. Ví dụ, doanh nghiệp cần nhân sự làm về thiết kế đồ họa chưa chắc cần đến một cử nhân khoa học máy tính được đào tạo bài bản.
Trong khi đào tạo ở đại học mang tính đại trà, cung cấp nguồn nhân lực theo mặt bằng, hệ thống yêu cầu chung thì một số nhà tuyển dụng, doanh nghiệp lại muốn có những “nhóm tài năng” sau tốt nghiệp để đáp ứng ngay và luôn các yêu cầu công việc đang thay đổi nhanh chóng.
Sự đa dạng trong cơ hội tiếp cận nghề, nâng cao kỹ năng thực hiện công việc (chưa phải nghề) là rất lớn ngay ở trong xã hội cũng trở thành thách thức đối với các cơ sở giáo dục đại học, nhất là sinh viên. Điều này tạo thêm áp lực cho người học vừa tốt nghiệp với “cựu sinh viên” đã tốt nghiệp một số năm và có cơ hội cập nhật kỹ năng xã hội trong tìm kiếm việc làm.
Thế nên các nhận định càng cần phải đặt vào bối cảnh cụ thể. Ví dụ, có ý kiến, dựa trên một khảo sát nhóm sinh viên tài năng về khả năng đáp ứng công việc, để đưa ra nhận định, đánh giá chung cho toàn “giới” sinh viên tốt nghiệp thì chưa thỏa đáng. Đó là chưa kể đến đây là doanh nghiệp tầm cỡ hàng đầu của đất nước thì đương nhiên các yêu cầu càng phải cao và khắt khe.
TS Tôn Quang Cường. Ảnh: NVCC |
- Theo ông, việc doanh nghiệp phải đào tạo lại có thể hiện chất lượng đầu ra của trường đại học và còn khoảng cách giữa nội dung đào tạo và thực tế doanh nghiệp?
- Phải thừa nhận vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa nội dung đào tạo bên trong của nhà trường với thực tế bên ngoài của doanh nghiệp thay đổi liên tục để thích ứng, tồn tại và phát triển. Về mặt chủ quan, đây vẫn là vấn đề thách thức với bất cứ cơ sở giáo dục đại học nào hiện nay. Rất khó để đưa ra bài toán dự báo, định hướng xây dựng, phát triển ngành mới nhanh chóng trong ngày một ngày hai, chỉ có thể điều chỉnh, cập nhật nội dung chương trình đào tạo dần dần. Đó là chưa kể các quy định thủ tục hành chính sư phạm, nguyên tắc xây dựng phát triển chương trình còn khá cứng nhắc.
- Trên thế giới, sinh viên ra trường có đáp ứng được ngay yêu cầu công việc không, hay vẫn phải đào tạo lại?
- Cá nhân chưa tiếp cận với những thông tin, báo cáo đánh giá về vấn đề này ở nước ngoài. Tuy nhiên, qua trao đổi và quan sát, việc đào tạo lại sinh viên vừa tốt nghiệp trong thực tế ở nước ngoài tùy thuộc vào đặc thù công việc, yêu cầu của nhà tuyển dụng, thậm chí là sự sẵn sàng của chính chủ thể (họ có thể từ chối để tìm việc khác).
Để giải quyết vấn đề trên, tôi thấy các đơn vị chức năng hỗ trợ sinh viên, làm công tác hướng nghiệp của các nhà trường thực hiện khá tốt. Sự kết nối giữa sinh viên, nhà tuyển dụng được triển khai thông qua đơn vị này (thường là trung tâm hỗ trợ sinh viên) và tỷ lệ sinh viên sử dụng dịch vụ khá cao trong các trường đại học ở nước ngoài. Đó là chưa kể đến các cơ hội để nâng cấp kiến thức, kỹ năng cho phù hợp yêu cầu hiện hành của thị trường thông qua các phương thức giáo dục chính thức và phi chính thức luôn rộng mở, đa dạng cho sinh viên.
Sinh viên Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội). Ảnh: Website nhà trường |
- Ông lý giải ra sao về việc luôn có khoảng cách giữa nội dung đào tạo tại trường đại học và thực tế doanh nghiệp/đơn vị sử dụng lao động?
- Điều này có thể xảy ra tùy thuộc vào loại hình, triết lý đào tạo và định hướng của từng nhà trường. Ở trên đã chỉ ra một số lý do.
Có thể khắc phục nếu áp dụng một số loại hình giáo dục đại học theo hướng mở kiểu mới như: Đại học chia sẻ, sáng nghiệp, đối tác, “thuê bao”, thực nghiệm… Hoặc giải pháp là xây dựng, phát triển các chương trình kết nối, đan xen, tích hợp giữa đại học và doanh nghiệp; mạnh dạn “nhúng” các nhu cầu của doanh nghiệp vào chương trình đào tạo dưới dạng nhiệm vụ học tập, vấn đề nghiên cứu hay các dự án học thuật; xây dựng các startup hay spin-off trong nhà trường…
- Hợp tác đại học - doanh nghiệp có vai trò thế nào trong việc kéo gần khoảng cách này?
- Xin chia sẻ nội dung này từ thực tế triển khai tại Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội). Tinh thần vì sự tiến bộ và thành công của người học được thấm nhuần và lan tỏa đến tất cả thành viên nhà trường. Không chỉ có việc làm cho sinh viên mà còn hướng đến sự phát triển nghề nghiệp bền vững.
Đối với một số ngành, các khoa khá chủ động trong điều chỉnh, cập nhật nội dung, phương thức đào tạo sinh viên. Ví dụ, cho phép một số nội dung trong học phần được cập nhật, sinh viên có thể lựa chọn khóa học cập nhật trên MOOC (khóa học trực tuyến đại chúng mở), mời doanh nghiệp, cơ sở giáo dục cùng tham gia xây dựng phát triển chương trình và phối hợp đào tạo, thường xuyên tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế tại doanh nghiệp và cơ sở giáo dục (kể cả với nước ngoài), tích hợp nhiều nội dung thực tập rèn nghề trong quá trình đào tạo, tích hợp các chương trình nội dung làm việc tại doanh nghiệp từ mức độ tiếp cận đến trải nghiệm và thực tập nghề ngay từ năm thứ hai; tư vấn, cung cấp thông tin cập nhật về thực tế…
Sinh viên Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong tuần học đầu tiên năm học 2023 - 2024. Ảnh: Website nhà trường |
Bên cạnh tuyến nội dung mang tính bền vững lâu dài, các chương trình đào tạo cần được thiết kế thêm theo tỷ lệ phù hợp học phần định hướng rèn nghề, mang tính mở, cho phép sinh viên lựa chọn; tạo cơ chế cho các khoa chủ động kết nối, để sinh viên sớm nhúng vào môi trường làm việc thực tế.
Nhà trường đồng thời mở rộng ký kết hợp tác mời doanh nghiệp, cơ sở thực tế cùng tham gia đào tạo, đặt hàng, giám sát đảm bảo chất lượng đào tạo. Xây dựng cơ chế đặt hàng cho doanh nghiệp trên cơ sở thực hiện song hành chương trình đào tạo và bồi dưỡng nâng cao định hướng thực hành, trải nghiệm. Xây dựng cơ chế cho phép doanh nghiệp tham gia đầu tư, hỗ trợ đào tạo trên cơ sở đảm bảo quy định của pháp luật, hài hòa lợi ích các bên…
- Theo ông, giải pháp nào để khắc phục những khó khăn trong hợp tác nhà trường - doanh nghiệp?
- Có mấy điểm thách thức chính trong giai đoạn hiện nay: Khoảng trống kênh giao tiếp hiệu quả giữa nhà trường và doanh nghiệp, chậm trễ về đổi mới nội dung và phương thức đào tạo cũng như quy trình, phương thức chuyển giao kết quả, sản phẩm học thuật, sự cộng hưởng trong phát triển lợi ích 2 bên và xã hội. Mặc dù Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 60/2021 của Chính phủ ban hành đã “cởi trói” nhiều thứ nhưng những mô hình kết hợp hiệu quả còn hạn chế.
Các nhà trường nên thúc đẩy mô hình đối tác mở (chính thức và phi chính thức ở các cấp độ khác nhau) với doanh nghiệp; tăng cường chia sẻ nguồn lực, tạo sự kết nối chặt chẽ, chia sẻ về cơ sở dữ liệu, quy trình và phương thức chuyển giao các sản phẩm, kết quả cũng như nguồn lực giữa các bên vì lợi ích chung.
- Xin cảm ơn ông!
Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đã mở khá nhiều ngành đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và nhu cầu thực tế trong nhà trường hiện nay, như: Tư vấn tâm lý, Công nghệ giáo dục, Quản trị chất lượng, Quản trị nhà trường, Khoa học giáo dục… Tỷ lệ tốt nghiệp có việc làm ngay sau tốt nghiệp khoảng 80 - 90%. Có những ngành, doanh nghiệp đến dự lễ tốt nghiệp, trao bằng và tuyển dụng luôn; thậm chí tuyển dụng trong quá trình sinh viên học năm thứ ba… - TS Tôn Quang Cường
Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc