Ngành dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và cho ngành logistics nói riêng là nhu cầu thực tế, cấp thiết.
Với mục tiêu đóng góp từ 8 - 10% cho tổng GDP cả nước vào năm 2025, ngành logistics đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực vận tải, lưu trữ và bốc dỡ hàng hóa, phục vụ việc xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản mũi nhọn như: Cà phê, trái cây, lúa gạo, các mặt hàng thủy hải sản, máy móc, thiết bị phục vụ ngành công nghiệp nặng.
Thông tin đưa ra tại Diễn đàn quốc tế về giáo dục nghề nghiệp với chủ đề “Phát triển kỹ năng nhân lực ngành logistics và thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên số” mới được tổ chức cho thấy:
Logistics hiện đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam; được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 14 - 16%, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm.
Hiện nay, phát triển đào tạo ngành logistics cũng đang được chú trọng, nhất là trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Từ năm 2018, các khóa học ngành logistics chính thức được đưa vào chương trình đào tạo hệ cao đẳng. Đến nay, đa số các trường cao đẳng ở Việt Nam đã có ngành này. Số lượng sinh viên đăng ký học ngành logistics hệ cao đẳng tăng nhanh qua các năm.
Đơn cử, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức vào năm 2018 chỉ có vẻn vẹn 69 sinh viên theo học ngành logistics đã tăng lên con số 250 sinh viên vào năm 2023.
Các khóa học ngành logistics tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được xây dựng sinh động, thực tiễn. Việc này nhằm giúp sinh viên hiểu tổng quan về logistics và vai trò của nó đối với các ngành công nghiệp liên quan, đồng thời, giúp sinh viên có cái nhìn tổng quát, rõ ràng về việc lựa chọn nghề nghiệp, tạo động lực cho các em theo đuổi chuyên ngành.
Dịch vụ logistics trong vận tải, lưu trữ và bốc dỡ hàng hoá tại hải cảng. |
Để đáp ứng quy định của Bộ LĐ-TB&XH về yêu cầu năng lực tối thiểu sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp và cao đẳng ngành nghề logistics, các tiêu chuẩn đầu ra của hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận tiêu chuẩn đào tạo của các nước trong khu vực ASEAN và châu Âu. Một số kỹ năng như tin học, ngoại ngữ, kỹ năng mềm cũng đã được đưa vào làm căn cứ để các trường cao đẳng nghề xây dựng chương trình đào tạo ngành logistics.
Thông qua “Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực” (Aus4Skills), Chính phủ Australia đã và đang hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nhà quản lý và giảng viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam với trọng tâm là ngành logistics.
Thành công điển hình của Chương trình Aus4Skills là việc xây dựng mô hình “Phát triển kỹ năng do doanh nghiệp dẫn dắt” tại 16 trường cao đẳng ở Việt Nam. Mô hình này nhằm đến kết nối doanh nghiệp với trường nghề thông qua “Học kỳ doanh nghiệp”.
Thầy Dương Quốc Việt giảng dạy chuyên ngành logistics cho sinh viên tại cơ sở GDNN. |
Nhờ “Học kỳ doanh nghiệp”, sinh viên được thực tập và được hướng dẫn trực tiếp về nghiệp vụ tại các doanh nghiệp lớn. Đây là cơ hội để người học lĩnh hội đầy đủ nhất các năng lực trước khi hòa nhập vào thị trường lao động. Trong chương trình này, khoảng 10% sinh viên được doanh nghiệp nhận làm việc luôn sau khi tốt nghiệp. Số sinh viên còn lại đều dễ dàng tìm được việc làm sau khi ra trường.
Ông Dương Quốc Việt, Phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (là một đối tác tích cực của Chương trình Aus4Skills) cho biết: “Chúng tôi đã áp dụng những kiến thức và kinh nghiệm của nền giáo dục có tiêu chuẩn quốc tế của Australia để xây dựng các chương trình đào tạo nghề ở Việt Nam. Việc này giúp sinh viên phát triển năng lực toàn diện hơn, trong đó bao gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ và khả năng tìm việc làm”.
Cũng theo ông Dương Quốc Việt, các hoạt động hợp tác giáo dục với Aus4Skills đã giúp các nhà quản lý và giảng viên các trường nghề tìm hiểu các xu hướng tất yếu về toàn cầu hóa và chuyển đổi số. Những kiến thức đó giúp nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý, tư duy chuyển đổi và tư duy thiết kế.
“Nhờ đó, trong quá trình triển khai đào tạo nghề logistics, chúng tôi thường xuyên phân tích, điều chỉnh phương pháp giảng dạy để bắt kịp xu thế phát triển bền vững”, ông Việt nói.
Với những lợi thế của hệ cao đẳng, học nghề là thời gian học ngắn, học phí thấp và nhiều cơ hội có việc làm ngày sau khi ra trường, các trường cao đẳng đang tiếp tục thu hút sinh viên học nghề ngành logistics thông qua mở rộng các kênh thông tin và sự quan tâm của người học.
Bạn trẻ có thể tìm hiểu thêm về ngành logistics thông qua các hoạt động của các trường cao đẳng như: Các câu lạc bộ về logistics, các cuộc thi tài năng trẻ logistics, hội thảo chuyên đề với nhà trường và doanh nghiệp, các hoạt động tham quan và thực tế tại doanh nghiệp, sự kiện giao lưu sinh viên ngành logistics.
“Giống như Australia, Việt Nam là quốc gia có hệ thống chuỗi cung ứng dài, do đó việc học hỏi các kiến thức, mô hình đào tạo chuyên nghiệp và cập nhật từ hệ thống giáo dục nghề nghiệp Australia đối với ngành logistics là rất quan trọng, góp phần đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội”, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski phát biểu tại Diễn đàn quốc tế về giáo dục nghề nghiệp với chủ đề Phát triển kỹ năng nhân lực ngành logistics và thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên số.
Tác giả bài viết: Thảo Nguyên
Ý kiến bạn đọc