Tại Việt Nam, với nỗ lực đổi mới giáo dục gần 40 năm qua, chất lượng và hiệu quả đào tạo đã cải thiện đáng kể, nhưng chất lượng nguồn nhân lực không theo kịp bước tiến phát triển kinh tế - xã hội đất nước; giáo dục đại học vẫn trong “bẫy” của tình trạng thiếu hụt kỹ năng.
Tại Hội thảo giáo dục 2023, đại diện Viettel cho biết tồn tại khoảng cách xa giữa nội dung đào tạo tại trường đại học và thực tế doanh nghiệp. “Chúng tôi đã khảo sát nhanh hơn 100 sinh viên xuất sắc tham gia chương trình thực tập sinh tài năng Viettel Digital Talent (những người được lựa chọn từ gần 2 nghìn hồ sơ) và kết quả cho thấy, 3/4 em tự nhận xét những gì được học chỉ đáp ứng dưới 75% yêu cầu công việc, 2% cho rằng với những gì được trang bị có thể đáp ứng trên 90% yêu cầu.
Kết quả này phản ánh thực trạng thiếu và yếu kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm; doanh nghiệp mất trung bình 4 - 6 tháng để đào tạo bổ sung”, đại diện Viettel trao đổi.
Nhận định trên phản ánh tình trạng được nhắc đến từ lâu trong giáo dục đại học nước ta nhưng đến nay chưa khắc phục đáng kể. Đó là tình trạng sinh viên tốt nghiệp không có kỹ năng phù hợp yêu cầu công việc - một tình trạng mà Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) gọi là thiếu hụt kỹ năng.
Thực ra, thiếu hụt kỹ năng là tình trạng phổ biến của hầu hết hệ thống giáo dục đại học trên thế giới. Báo cáo tổng quan của Ban Thông tin QS năm 2018 cho biết có 15 kỹ năng được chủ lao động các nước trên thế giới coi trọng nhưng chưa hài lòng với kết quả làm việc của sinh viên tốt nghiệp:
Khả năng lãnh đạo; Làm việc trong một đội; Giao tiếp; Giải quyết vấn đề; Phân tích định lượng; Tính linh hoạt/khả năng thích ứng; Độ sâu của kiến thức môn học; Quan hệ tương tác với người khác; Kỹ năng kỹ thuật; Kỹ năng tổ chức; Sáng tạo; Nhận thức thương mại; Kiên cường/đối phó với xung đột; Đàm phán; Ngôn ngữ [1].
Tình trạng này có chiều hướng gia tăng những năm gần đây khi thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư khiến thị trường lao động trở nên bất định, biến đổi nhanh chóng, khó lường. Báo cáo về thiếu hụt kỹ năng năm 2020 ở Mỹ trên lĩnh vực nông nghiệp và tài nguyên cho thấy có 11 kỹ năng thiếu hụt đáng kể từ góc nhìn các chủ lao động, giảng viên và sinh viên:
Hiểu vai trò tại nơi làm việc và kỳ vọng thực tế sự nghiệp; Nhận biết và xử lý xung đột; Chấp nhận và vận dụng sự phê phán; Lắng nghe một cách có hiệu quả; Giao tiếp gọn và chính xác; Nhận ra tác động các quyết định; Xây dựng các mối quan hệ nghề nghiệp; Chèo lái sự thay đổi và bất định; Nhận diện và phân tích vấn đề; Vận dụng tri thức từ tình huống này sang tình huống khác; Hỏi đúng vấn đề [2].
Như vậy thiếu hụt kỹ năng phổ biến và chuyển biến. Nghĩa là nhận định về tình trạng thiếu hụt kỹ năng thay đổi từ nước này đến nước khác, giai đoạn này đến giai đoạn khác, mức độ này đến mức độ khác.
Sinh viên Khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) trong giờ rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Ảnh: NTCC |
Một điều tra xã hội học năm 2014 trong phạm vi đề tài cấp Nhà nước cho thấy có từ 20% - 30% người được hỏi đánh giá sinh viên tốt nghiệp kém các kỹ năng: Tư duy sáng tạo và mạo hiểm (30%); Đàm phán (30%); Ngoại ngữ (29%); Thuyết trình (28%); Lập kế hoạch và tổ chức công việc (27%); Làm việc nhóm (26%); Học và tự học (25%); Tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm, tính kỷ luật trong lao động (23%); Giải quyết vấn đề (21%); Công nghệ (20%) [3].
Như vậy ở Việt Nam tình trạng thiếu hụt kỹ năng được nhận diện từ lâu. Báo cáo cạnh tranh toàn cầu cảnh báo nhiều năm liền (từ 2010 đến 2018) tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong đội ngũ nhân lực là một trong ba yếu tố bức xúc nhất trong phát triển kinh tế nước ta.
Thực ra, với nỗ lực đổi mới giáo dục gần 40 năm qua, chất lượng và hiệu quả đào tạo cải thiện đáng kể, nhưng chất lượng nguồn nhân lực không theo kịp bước tiến trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Điều đó khiến giáo dục đại học luẩn quẩn trong “bẫy” của tình trạng thiếu hụt kỹ năng.
Riêng phạm vi các nước ASEAN, theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2019 trong phạm vi 141 nền kinh tế được xếp hạng, thì kỹ năng nhân lực trình độ đào tạo sau THPT lần lượt được xếp hạng trên cơ sở thu thập ý kiến, đánh giá của các chủ doanh nghiệp: Singapore 4; Malaysia 17; Philippines 20; Indonesia 37; Brunei 38; Lào 55; Thái Lan 79; Campuchia 104; Việt Nam 116.
Thách thức vượt qua thiếu hụt kỹ năng trở nên gay cấn hơn khi bối cảnh phát triển nguồn nhân lực khác trước. Đó là bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà bản chất là áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên hầu hết lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.
Vì thế, sơ kết 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực ngành thông tin và truyền thông giai đoạn 2011 - 2020, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, mạng lưới đào tạo nhân lực công nghệ thông tin được mở rộng, khá dồi dào, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường cả về số và chất lượng.
Theo dự báo năm 2020, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin hơn 1 triệu người nhưng khả năng đáp ứng tối đa hiện nay của Việt Nam là hơn 60%. Chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn hạn chế: 72% sinh viên ngành công nghệ thông tin không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và các kỹ năng khác. Số lượng sinh viên tốt nghiệp nhiều nhưng doanh nghiệp thiếu nhân viên có kỹ năng và phải tổ chức đào tạo lại.
Sinh viên Trường ĐH CMC. Ảnh: NTCC |
Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng trên do chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam, dù có nhiều cải thiện thời gian qua, nhưng không theo kịp chuyển dịch về yêu cầu thị trường lao động. Để tìm hiểu sâu về nguyên nhân này, một nghiên cứu cấp Nhà nước năm 2020 về nhân lực trình độ đại học ngành công nghệ thông tin cho rằng:
Tuy điều kiện dạy và học nhiều cải thiện, nhưng chuyển biến chậm so với bước tiến của công nghệ thông tin lẫn yêu cầu đổi mới cách dạy - học. Công tác đào tạo trong nhà trường thực hiện chủ yếu theo tiếp cận nội dung, chưa có chuyển đổi thực sự sang tiếp cận năng lực, trong khi điều kiện đảm bảo quyền tự chủ nhà trường, cơ sở vật chất - kỹ thuật, nguồn lực tài chính, tài liệu học tập, hạ tầng công nghệ, năng lực và động lực của đội ngũ còn nhiều bất cập.
Để khắc phục những thiếu hụt chuyên môn và kỹ năng, doanh nghiệp đều đào tạo bổ sung khi mới tuyển hoặc cập nhật hàng năm đối với lao động công nghệ thông tin [4].
Xét về nguyên nhân sâu xa cần đặt công tác đào tạo đại học trong tổng thể nhiệm vụ phát triển nhân lực nước ta. Đó là một trong ba đột phá chiến lược để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 cũng như giai đoạn 2021 - 2030.
Tuy nhiên, như Đại hội XIII của Đảng chỉ ra, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Để lý giải vấn đề này có thể dựa vào báo cáo phân tích chính sách phát triển nhân lực nước ta của Ngân hàng Thế giới.
Theo đó, chủ trương, chính sách và định hướng phát triển, chúng ta luôn có sự cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước; nhưng công tác quản lý, giám sát việc tổ chức thực hiện còn yếu kém, trong đó đáng quan tâm là việc phân bổ, sử dụng nguồn lực chưa hợp lý, hiệu quả; dự báo và cơ sở dữ liệu thị trường lao động thiếu tin cậy; kết nối cung - cầu lao động trình độ đại học kém hiệu quả, gắn đào tạo với sử dụng thiếu thực chất.
Vì thế, để giải quyết bài toán thiếu hụt kỹ năng trong đào tạo đại học nước ta, cần giải pháp tổng thể trong một tiếp cận hệ thống.
Trước hết, cần thể chế hóa chủ trương đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, phải xây dựng và ban hành kế hoạch tổng thể về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới; kế hoạch này nên vạch ra các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và nguồn lực để khắc phục tồn tại, yếu kém trong quản lý, tổ chức thực hiện, xây dựng thành công nguồn nhân lực chất lượng cao đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu sao cho nguồn nhân lực thực sự là lực lượng nòng cốt đưa nước ta đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Bên cạnh các giải pháp chiến lược trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cần những giải pháp đột phá và đồng bộ về giáo dục - đạo tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa và con người.
Với đào tạo đại học, về thể chế cần tiến hành rà soát hệ thống văn bản pháp luật, sớm ban hành khung pháp lý nhất quán, minh bạch, rõ ràng, thông thoáng để các cơ sở giáo dục đại học tự tin đổi mới sáng tạo trong phát huy quyền tự chủ đại học, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.
Tuy nhiên, cần chú ý tự chủ đại học chỉ là một điều kiện cần trong tập hợp các điều kiện cần và đủ của tiếp cận toàn hệ thống để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Vì thế, cùng với hoàn thiện thể chế nêu trên, cần cập nhật, bổ sung chính sách để có sự đồng bộ về các điều kiện đảm bảo, trước hết là nguồn lực, năng lực, động lực của đội ngũ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] QS Intelligent Unit. 2018. The Global Skills Gap in the 21st Century. C:/Users/windows10/Documents/Higher%20education/Skills%20gap%20global.pdf
[2] Crawford, P. & Fink, W. 2020. From Academia to the Workforce: Executive Summary. Washington, DC: APLU
[3] Phạm Văn Linh. 2015. Định hướng chiến lược, giải pháp đột phá nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam. Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu.
[4] Trần Thị Thái Hà. 2020. Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025.
Tác giả bài viết: TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến
Ý kiến bạn đọc