Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Thực hiện Luật Giáo dục 2019 và trước tình hình dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã bàn và thống nhất tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Phương án tổ chức kỳ thi không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Mục đích chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT, nhưng nhiều trường đại học vẫn sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.
Khẳng định tầm quan trọng và tác động lớn của kỳ thi, Bộ trưởng yêu cầu công tác tổ chức thi phải bảo đảm trung thực, khách quan, an toàn, nghiêm túc, giảm áp lực, giảm tốn kém. Các công việc phải có kế hoạch cụ thể; phân công trách nhiệm đúng vai, rõ người, rõ trách nhiệm… “Chúng ta phải đặt ra nhiệm vụ, quyết tâm tổ chức kỳ thi tuyệt đối an toàn” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến Kỳ thi được tập trung thảo luận, như: các phần mềm chấm thi và phần mềm quản lý thi; công tác thanh tra, trong đó có việc huy động cán bộ, giảng viên đại học tham gia hoạt động thanh tra/kiểm tra thi ở địa phương; xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ ra đề thi; chỉ đạo công tác dạy học, ôn tập; cơ sở dữ liệu về học bạ; bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi; công tác truyền thông…
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng yêu cầu hoàn thiện danh sách Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, theo đó là phân công rõ nhiệm vụ các thành viên trong Ban Chỉ đạo; xây dựng kế hoạch khung về tổ chức kỳ thi của Ban Chỉ đạo; trên cơ sở kế hoạch khung, có kế hoạch riêng của từng thành viên; sau đó, xây dựng kế hoạch chỉ đạo kỳ thi để các địa phương biết, thực hiện; chuẩn bị cho hội nghị trực tuyến với Ban Chỉ đạo các địa phương…
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Dự thảo ghi rõ: Thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình phổ thông cấp THPT, chương trình GDTX cấp THPT; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả để tuyển sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT phải bảo đảm yêu cầu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, địa phương có trách nhiệm rất cao. Dự thảo Quy chế ghi rõ UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương. Bộ GD&ĐT chỉ còn 4 việc là: Chỉ đạo tổ chức kỳ thi; thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia; chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế thi; xây dựng đề thi phục vụ kỳ thi hằng năm. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, thanh tra của các địa phương.