Lựa chọn SGK lớp 1 tại địa phương: Tôn trọng kết quả lựa chọn của các cơ sở giáo dục

Thứ tư - 27/05/2020 03:26 291 0
GD&TĐ - Các trường tiểu học của 63 tỉnh, thành phố hoàn thành việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 năm học 2020 - 2021, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cũng như tiêu chí của địa phương.
Lựa chọn SGK lớp 1 tại địa phương: Tôn trọng kết quả lựa chọn của các cơ sở giáo dục

TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) đã trao đổi với Báo GD&TĐ xung quanh vấn đề chọn SGK tại các địa phương thời gian qua.

Yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy định

- PV: Bộ GD&ĐT đã nhận được báo cáo của 63 tỉnh, thành về kết quả lựa chọn SGK lớp 1. Ông có nhìn nhận gì từ kết quả lần này?

- Vụ trưởng Thái Văn Tài: Tính đến 23/5/2020, 63 tỉnh, thành phố gửi báo cáo kết quả lựa chọn SGK về Bộ GD&ĐT. Dựa trên phân tích kết quả chung, chúng tôi thấy các địa phương đã chỉ đạo nhà trường thực hiện lựa chọn SGK đúng theo tinh thần Thông tư 01 và tôn trọng kết quả lựa chọn SGK của nhà trường, hội đồng được thành lập tại các trường tiểu học.

Mặt khác, từ kết quả chọn SGK cũng cho thấy cả 46 đầu SGK của 5 bộ SGK do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được các địa phương lựa chọn. Điều này phản ánh chất lượng SGK khá đồng đều, theo đó cho thấy công tác thẩm định, phê duyệt SGK bảo đảm hiệu quả.

Trong 46 đầu SGK được phân thành 5 bộ, 61 địa phương chọn các đầu SGK của từ 3 bộ SGK trở lên, trong đó 35 tỉnh chọn SGK của đầy đủ cả 5 bộ.

Việc lựa chọn các đầu SGK từ nhiều bộ khác nhau thể hiện tính dân chủ, khách quan trong quá trình lựa chọn. Cơ sở giáo dục đã nghiên cứu kỹ lưỡng SGK nên chọn được đầu sách theo từng môn học, phù hợp với yêu cầu, điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường. Số liệu này cũng cho thấy, các địa phương đã trung thực trong tổng hợp, báo cáo kết quả lựa chọn SGK của cơ sở GDPT trên địa bàn.

Đáng lưu ý, mỗi SGK có cách tiếp cận khác nhau tùy theo vùng miền, có sử dụng một số phương ngữ. Như vậy, các địa phương đã dựa trên yếu tố địa phương, người học để chọn SGK, tạo thuận tiện trong quá trình tổ chức dạy học tại trường…

Lựa chọn SGK lớp 1 tại địa phương: Tôn trọng kết quả lựa chọn của các cơ sở giáo dục - Ảnh minh hoạ 2
TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT)

- Kết quả lựa chọn sách của hai tỉnh Long An và Khánh Hòa đặt ra cho dư luận nghi ngờ về tính khách quan, minh bạch. Bộ GD&ĐT đã thực hiện chức năng giám sát chưa và có ý kiến chỉ đạo ra sao, thưa ông?

- Qua thực hiện chức năng giám sát của mình, Bộ GD&ĐT nhận được kết quả của 2 địa phương hơi khác so với các địa phương còn lại, đó là tỉnh Long An và Khánh Hòa. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy việc chỉ đạo của 2 địa phương đối với các nhà trường thực hiện theo Thông tư 01 thực hiện đúng các quy trình.

Tuy nhiên, ở Long An, khâu tổng hợp kết quả cuối cùng, sở thực hiện chưa đúng. Có nhiều bộ SGK được các nhà trường lựa chọn nhưng sở GD&ĐT đã báo cáo với UBND tỉnh để chọn 1 bộ sách duy nhất. Điều này trái với Thông tư 01. Bộ GD&ĐT đã có ý kiến và đề nghị tỉnh Long An thực hiện đúng theo Thông tư 01, tôn trọng kết quả lựa chọn của nhà trường.

Còn với tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi đã tiếp cận báo cáo của tất cả các đơn vị cấp huyện gửi về cho sở GD&ĐT và nhận thấy tất cả báo cáo từ phòng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tập hợp từ các trường gửi lên tập trung vào 1 bộ SGK cho 8 môn bắt buộc. Riêng môn Tiếng Anh, các trường chọn của NXB khác.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT là kiên quyết yêu cầu các địa phương phải thực hiện đúng quy định về lựa chọn SGK theo Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT Hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông. Nếu các trường lựa chọn SGK đúng quy trình đã quy định trong Thông tư 01, địa phương phải tôn trọng kết quả đó. Với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh và sở GD&ĐT, đề nghị rà soát, kiểm tra tổng thể quy trình lựa chọn SGK, tôn trọng tối đa sự lựa chọn của các trường và bảo đảm việc thực hiện đúng theo Thông tư 01.

Bước đầu Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa báo cáo về Bộ GD&ĐT, khẳng định tất cả phòng GD&ĐT đều gửi tổng hợp báo cáo kết quả nhà trường lên với quy trình đúng quy định trong Thông tư 01: Các trường đều có kết quả lựa chọn 1 bộ sách như sở GD&ĐT báo cáo. Hai địa phương này đều hứa sẽ thực hiện đúng Thông tư 01, tôn trọng quyền và kết quả chọn SGK của các trường tiểu học.

Lựa chọn SGK lớp 1 tại địa phương: Tôn trọng kết quả lựa chọn của các cơ sở giáo dục - Ảnh minh hoạ 3
Giáo viên thảo luận lựa chọn SGK. Ảnh minh họa/ INT

- Qua các nguồn thông tin cho thấy, một số địa phương, các trường chỉ chọn 1 bộ sách A hoặc B ở từng môn học. Điều này có bất thường không?

- Cả 5 bộ sách ở 46 đầu sách đều được Hội đồng quốc gia thẩm định về mặt chuyên môn, đáp ứng Chương trình GDPT 2018 và chuẩn đầu ra đối với từng môn học của lớp 1 và được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. Như vậy, việc hội đồng lựa chọn SGK thực hiện theo Thông tư 01: Dựa vào phân tích, cách tiếp cận SGK của từng tác giả, điều kiện thực hiện, điều kiện địa lý tự nhiên của trường và điều kiện người học để chọn 1 bộ sách phù hợp nhất…

Như vậy, việc lựa chọn một số môn hay một nhóm môn của một NXB trên một địa phương có cùng điều kiện hoàn toàn dễ hiểu. Chúng ta phải tôn trọng kết quả lựa chọn của GV, tôn trọng sinh hoạt chuyên môn của nhà trường và kết quả lựa chọn. Nên ghi nhận đó là một sản phẩm được các thầy cô thực hiện đúng theo quy trình.

Tôn trọng lựa chọn của GV và hội đồng

- Nhiều ý kiến dị nghị khi bộ sách Chân trời sáng tạo của NXB Giáo dục Việt Nam được TP Hồ Chí Minh lựa chọn bởi NXB đã chi trả thù lao cho một số lãnh đạo và một số phòng ban chuyên môn của sở. Bộ GD&ĐT có ý kiến gì về vấn đề trên?

- Trong 5 bộ SGK được thẩm định lần này, chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội hiếm của nhóm tác giả phía Nam tham gia biên soạn SGK theo Chương trình GDPT quốc gia. Khi các nhóm tác giả ở miền Nam tham gia biên soạn SGK, có thể nhận thấy nhiều phương ngữ, dữ liệu đưa vào SGK mang tính đặc trưng của vùng miền. Ví dụ, sách Tiếng Việt lớp 1, có thể dùng từ ba má thay cho bố mẹ; dùng từ “ghe thuyền”… Các phương ngữ này gần gũi với lứa tuổi HS tiểu học khu vực này.

Nhóm tác giả phía Nam nghiên cứu chương trình, biên soạn SGK đang hướng đến một đối tượng khá đặc trưng cho vùng miền. Khi GV tham gia lựa chọn SGK, các bộ sách đã đáp ứng đúng chương trình của Hội đồng thẩm định quốc gia, việc lựa chọn sách gần gũi với địa phương là hoàn toàn dễ hiểu. Chúng ta phải tôn trọng ý kiến, kết quả lựa chọn SGK ở vùng miền đó.

Chúng ta phải công bằng khi phán xét một vấn đề, cần tìm hiểu quy trình có sai không? Có chỉ đạo gì sai không? Khi kết quả làm đúng, quy trình làm đúng, không có chỉ đạo sai, phải tôn trọng quyền lựa chọn của GV và phải ghi nhận quyền này; Không nên có suy diễn làm tổn thương đến thầy cô trong quá trình lao động vất vả này.

Lựa chọn SGK lớp 1 tại địa phương: Tôn trọng kết quả lựa chọn của các cơ sở giáo dục - Ảnh minh hoạ 4
Giáo viên trực tiếp tham gia lựa chọn SGK mới. Ảnh minh họa

- Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT có chỉ đạo gì đối với các địa phương và NXB có sách được lựa chọn trong việc phối hợp tập huấn GV và cung ứng SGK để bảo đảm đúng tiến độ đề ra?

- Có 2 nội dung trọng tâm Bộ sẽ chỉ đạo sát sao trong thời gian tới.

Thứ 1, các địa phương và NXB phải làm việc với nhau để xây dựng và tổ chức thực hiện việc tập huấn SGK cho GV lớp 1, bảo đảm kịp thời, đầy đủ, nghiêm túc. 100% giáo viên lớp 1 phải hoàn thành tập huấn trước năm học mới. Việc cung ứng SGK có những khó khăn và thuận lợi riêng, song phải gấp rút thực hiện từ nay đến 30/7 và chậm nhất là 15/8.

Tuy nhiên, các địa phương cũng phải có những cam kết vì trên một địa bàn có nhiều SGK được lựa chọn, việc cung ứng cần được chi tiết tuyệt đối đến từng đối tượng, đầu sách để bảo đảm tiến độ về mặt thời gian theo đúng quy định năm học.

Vấn đề thứ hai là trách nhiệm của địa phương đối với việc bồi dưỡng GV dạy lớp 1 tìm hiểu về Chương trình GDPT 2018. Trong thời gian nghỉ dịch, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Tập đoàn Viettel để cung cấp tài khoản và miễn phí đường truyền cho 100% GV dự kiến dạy lớp 1 sang năm. Trách nhiệm của sở GD&ĐT cùng Viettel địa phương là lên kế hoạch chi tiết cấp tài khoản hỗ trợ GV dạy lớp 1 năm tới gấp rút hoàn thiện bồi dưỡng tìm hiểu Chương trình GDPT 2018 trước 30/7 bằng hình thức trực tuyến.

- Xin cám ơn ông!

Lưu ý, 5 lực lượng sẽ tham gia vào công việc này gồm: Sở GD&ĐT làm chủ công; Viettel cam kết đường truyền miễn phí cho GV lớp 1; GV cốt cán đã được Bộ GD&ĐT tập huấn trong thời gian vừa qua; Giảng viên đến từ các trường sư phạm tham gia Chương trình ETEP được phân vùng hỗ trợ cho từng địa phương; Phòng GD&ĐT, các trường tiểu học lên kế hoạch chi tiết giám sát để tổ chức thực hiện bồi dưỡng một cách kịp thời, chất lượng và đúng thời gian quy định của Bộ. - Vụ trưởng Thái Văn Tài:


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập627
  • Hôm nay42,842
  • Tháng hiện tại320,972
  • Tổng lượt truy cập51,676,931
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944