Điều này cho thấy, cơ sở GD nghề nghiệp chưa thực sự thu hút người học cho dù Bộ LĐ,TB&XH nói chung và Tổng cục GDNN đưa ra nhiều giải pháp, chính sách đầu tư.
Cách xa kế hoạch
Báo cáo đánh giá công tác tuyển sinh, giải quyết việc làm năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, tại Hội nghị tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm năm 2020 (TPHCM), TS Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết: Cả nước có 1.914 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 399 trường cao đẳng, 462 trường trung cấp và 1.053 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rộng khắp cả nước.
Tổng hợp kết quả tuyển sinh năm 2019 của 63 tỉnh, thành, theo ông Hùng, đạt 103,5% so với kế hoạch, trong đó tuyển sinh trung cấp, CĐ là 568 nghìn người (đạt 101,4%). Trên 80% HSSV có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, trong đó sinh viên CĐ ra trường có việc làm đạt 85%, trung cấp 80%. Người học chưa có việc làm ngay phần lớn do tiếp tục học liên thông lên trình độ cao hoặc tìm kiếm những công việc có mức thu nhập và điều kiện phù hợp hơn. Một số trường có uy tín về chất lượng đào tạo, tỉ lệ HSSV có việc làm đạt 100%.
Theo kế hoạch, năm 2020, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu tuyển sinh 2.260.000 người, trong đó trung cấp và cao đẳng đạt 580 nghìn người. Tuy nhiên, theo TS Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, kết quả tuyển sinh 5 tháng đầu năm 2020 của các địa phương trên cả nước chỉ đạt gần 845 nghìn người, bằng 57% so với cùng kỳ năm ngoái, xấp xỉ 21% so với kế hoạch tuyển sinh năm 2020.
Để hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh, theo TS Vũ Xuân Hùng, các trường cần đẩy mạnh công tác tuyển sinh từ tháng 6 và tập trung cao điểm từ tháng 7 – 10, thông qua việc đẩy mạnh truyền thông, tư vấn tuyển sinh trực tiếp và trực tuyến để đưa hình ảnh nhà trường đến gần người học.
"Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể thiết lập chuyên trang về tuyển sinh trên trang mạng xã hội (Facebook, Twitter, Viber, Zalo...) hoặc trên website của trường để thực hiện công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh online" - TS Hùng chia sẻ.
Chủ động thích ứng
Tuy có bước chuyển mình vượt bậc nhưng theo TS Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang đối diện với 3 thách thức lớn: Chưa thực sự hấp dẫn nhất với học sinh; Công tác tuyển sinh còn khó khăn, các điều kiện bảo đảm chất lượng hạn chế; Hiệu quả đào tạo, việc làm sau đào tạo chưa bền vững.
Chia sẻ về khó khăn các trường trong hệ thống chưa thể tháo gỡ chính là việc đưa thầy từ doanh nghiệp về giảng dạy tại các trường. Theo ông Nguyễn Hồng Phong - Trưởng phòng Đào tạo (Trường CĐ nghề Phú Yên), sự kết nối và hợp tác này là "chìa khóa" để tháo gỡ những nút thắt trong chất lượng đào tạo và tạo sự chuyển dịch, đa dạng hóa các hình thức dạy nghề, đáp ứng công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội.
"Sự hợp tác này đang gặp khó do yêu cầu người thầy đến từ doanh nghiệp cũng phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy nghề như giáo viên của trường. Do vậy, nếu trường mời về giảng dạy thì sai quy định, một số trường lách bằng cách để giáo viên đứng tên tiết giảng... Các trường đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có quy định mở về tiêu chuẩn đối với giáo viên đến từ doanh nghiệp", ông Phong kiến nghị.
Từ thực tế tại địa phương, ông Thân Đức Hưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho hay: Nhận thức về học nghề tại tỉnh có thay đổi nhất định, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức. Đó là việc giải quyết vấn đề lao động, cứ 5 người chỉ có 2 người làm việc tại Cà Mau, còn 3 người làm việc ở tỉnh khác. Nguyên nhân do địa phương đang trong quá trình phát triển nên sức hấp dẫn người lao động còn thấp, việc làm không ổn định.
Nhìn nhận thách thức hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang đối mặt, TS Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đặt ra 5 yêu cầu mới đối với hệ thống này nhằm phát triển bền vững: Tăng quy mô và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo; Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt; Chuyển đổi mô hình đào tạo truyền thống sang gắn kết doanh nghiệp, với mục tiêu doanh nghiệp phải là trường thứ hai.
Đặc biệt, trong bối cảnh mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải tích cực đổi mới cơ chế hoạt động, tài chính, trong đó trường công phải triển khai tự chủ tài chính từ năm 2025. Cuối cùng hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn nữa trong dạy học.