Sẵn sàng tham gia kỳ thi
Trong công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT, chỉ cần một sai sót của cá nhân có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Vì vậy, các giáo viên được điều động làm công tác thi đều xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là "cửa gác" cuối cùng đánh giá hiệu quả dạy - học của một khóa học.
Hai năm liên tục, thầy Phan Quốc Duy – GV Toán Trường THPT Trần Phú (Hải Châu, Đà Nẵng) đều làm nhiệm vụ thư ký điểm thi. "So với công việc của giám thị coi thi, khối lượng công việc của thư ký điểm thi nhiều hơn: Đến điểm thi sớm hơn chuẩn bị hồ sơ, sổ sách để hội đồng thi làm việc, giao nhận, kiểm đếm bài thi của thí sinh sau mỗi buổi thi do giám thị bàn giao. Việc kiểm đếm bài thi cũng đã mất nhiều thời gian rồi. Nếu giám thị coi thi chỉ làm nhiệm vụ khi thí sinh bước vào phòng thi thì thư ký gần như phải làm đủ mọi công tác hậu cần, từ đóng gói, niêm phong bài thi, tư vấn cho trưởng điểm thi xử lý các tình huống liên quan đến công tác thi, bổ sung hồ sơ cho thí sinh trong ngày đầu làm thủ tục thi…" – thầy Duy cho biết.
Ngoài phải hiểu rõ quy trình, quy chế, theo thầy Phan Quốc Duy, thư ký điểm thi còn phải nắm vững các biểu mẫu, biên bản. Gần như năm nào cũng có tình huống phải xử lý như giám thị đột ngột bị ốm, xin phép không thể tham gia công tác coi thi, thí sinh đến muộn hoặc bị tai nạn giao thông, ốm đau đột xuất… Rồi những "sự cố" như phòng gửi đồ của thí sinh không đủ chỗ để… đều phải xử lý dựa trên quy chế thi. Công việc của một thư ký điểm thi đòi hỏi phải tỉ mỉ, cẩn thận chu đáo và tuyệt đối không sáng tạo quy chế thi. Thầy Duy ví dụ, chỉ cần đếm thiếu bài thi, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, mà mỗi điểm thi chỉ có 2 thư ký cho vài chục phòng thi nên áp lực rất lớn.
Ở Đà Nẵng, đã từng có trường hợp thí sinh kêu đau bụng và đề nghị nhân viên y tế lên phòng thi để hỗ trợ. Nhưng theo nguyên tắc, nhân viên y tế không thể có mặt ở phòng thi, chính vì vậy, hội đồng thi đã đề nghị giám thị giám sát đưa thí sinh xuống phòng y tế. Sau khi biết cách xử lý như vậy, thí sinh này đã không còn đau bụng nữa. Những trường hợp như vậy bao giờ cũng được giám thị lưu ý đặc biệt trong buổi thi.
Đã có không ít trường hợp thư ký điểm thi nhường luôn suất ăn sáng của mình cho thí sinh bị hạ đường huyết do quá căng thẳng mà không kịp ăn sáng. Với những trường hợp thí sinh bị đình chỉ thi, khi được giám sát đưa về phòng hội đồng, sau khi làm động tác nhằm ổn định tâm lý cho thí sinh, các thư ký và trưởng điểm thi bao giờ cũng tìm hiểu xem giám thị phòng thi có làm hết trách nhiệm của mình trong quá trình coi thi như nhắc nhở, lưu ý thí sinh về những vật dụng không được mang vào phòng thi hay không…
Các trường ĐH đã lên phương án, chuẩn bị nhân lực, vật lực để cùng với địa phương tổ chức kỳ thi quan trọng này. Trong đó, đội ngũ tham gia đoàn thanh tra cũng được lựa chọn kỹ càng. Theo PGS.TS Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, việc huy động cán bộ, giảng viên ĐH tham gia hoạt động thanh tra, kiểm tra kỳ thi THPT ở các địa phương là cần thiết. Đây là lực lượng quan trọng, góp phần bảo đảm tính trung thực, khách quan của kỳ thi.
Theo PGS.TS Võ Ngọc Hà, Trường ĐH Tiền Giang nói riêng và các trường ĐH nói chung, hằng năm đều được Bộ GD&ĐT huy động làm công tác thi THPT quốc gia. Lực lượng tham gia làm công tác thi đã có kinh nghiệm, kỹ năng và nghiệp vụ khi tham gia các khâu của kỳ thi. Năm nay, nhà trường sẵn sàng khi được Bộ GD&ĐT huy động tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Về công tác chuẩn bị, nhà trường sẽ chọn những cán bộ, giảng viên có đủ đức, tài, kinh nghiệm để tham gia thanh, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT khi Bộ GD&ĐT huy động. Nhà trường mong muốn Bộ GD&ĐT sớm có phương án huy động nhân lực để các trường chủ động. Song song đó là công tác tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ thanh tra cần được sớm triển khai để lực lượng tham gia công tác thi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được Bộ GD&ĐT giao…
Hỗ trợ tâm lý cho thí sinh trong phòng thi
Chúng tôi đã nghe nhiều cán bộ coi thi dặn dò thí sinh trong buổi làm thủ tục thi về việc phải đi ngủ đúng giờ, không quá căng thẳng "nếu căng thẳng quá, sẽ dẫn đến đau bụng, đau đầu… ảnh hưởng đến chất lượng bài thi. Chữ của mình thì nằm trong đầu mình chứ không phải ở trên bài làm của bạn bên cạnh…". Những lời dặn dí dỏm của cán bộ coi thi giúp cho thí sinh đỡ căng thẳng khi bước vào một kỳ thi quan trọng. Ngoài buổi học quy chế thi, ở các buổi thi, có ít nhất là 3 lần trước khi phát đề thi, thí sinh được giám thị nhắc nhở về những vật dụng không được mang vào phòng thi, trong đó, điện thoại di động và tài liệu luôn luôn được nhấn mạnh.
Cô Nguyễn Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết: "Ngoài tiêu chí như không có người thân tham gia thi (con, em), yếu tố sức khỏe và trách nhiệm với công việc cũng được xem là căn cứ để lập danh sách cử GV làm cán bộ thi. Với những GV tập sự, nhà trường thường không đưa vào danh sách giáo viên làm công tác chấm thi để gửi về Sở GD&ĐT". Chính vì vậy, các đợt kiểm tra học kỳ do trường hoặc sở tổ chức, Trường THPT Nguyễn Hiền đều triển khai bài bản như tổ chức một Kỳ thi THPT quốc gia để cả GV và HS thích nghi và làm quen dần.
Kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ tác động trở lại đối với việc đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường phổ thông. Chính vì vậy, bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: "Sở GD&ĐT chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong GV, HS và phụ huynh, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, chủ động trong công tác xử lý các tình huống. Sở cũng lên kế hoạch tổ chức hội nghị - tập huấn hướng dẫn thực hiện quy chế thi cho lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác thi tốt nghiệp THPT của tất cả đơn vị, trường học trực thuộc, đồng thời ban hành lịch công tác chi tiết cho từng công việc cụ thể trên cơ sở lịch công tác thi của Bộ GD&ĐT".
Không nhất thiết GV đứng lớp 12 mới được nằm trong danh sách làm công tác thi. Nghiệp vụ coi thi, GV phải nắm rõ và còn được tập huấn kỹ tại các điểm thi. Trước mỗi kỳ thi, trong khi họp Hội đồng sư phạm, nhà trường đều nhắc nhở, dặn dò GV, tuy nhiên, quy chế thi năm nào cũng có điểm mới bổ sung, điều chỉnh… Những văn bản, hướng dẫn này đều được nhà trường phổ biến đến GV. - Cô Hồ Thị Thu Thanh Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Vang (Cẩm Lệ, Đà Nẵng)