Phái biểu khai mạc Hội thảo, TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, cho biết: Lan toả tinh thần học tập suốt đời, nền kinh tế thế giới đang chuyển biến thành nền kinh tế tri thức, thách thức cho Việt Nam nói chung và các địa phương trong đó có Lai Châu nói riêng để hoà nhập đòi hỏi nguồn nhân lực cần có chất lượng tốt hơn. Thách thức đó đặt ra việc đào tạo, cho người lớn cần có đủ kiến thức kỹ năng đáp ứng thời cuộc, khi quỹ thời gian hạn chế.
Công nghệ 4.0 giúp tạo cơ hội học tập thuận lợi hơn, người dân có điều kiện tiếp cận với việc học thông qua các TTGDTX, được học tập, trang bị kiến thức, kỹ năng. Trong đó vai trò của các trường đại học là rất lớn trong việc tạo điều kiện cho người dân được học mọi lúc, mọi nơi. Tất cả tài nguyên đều có thể cạn kiệt, chỉ có trí tuệ con người nếu được khai thác hiệu quả sẽ trường tồn. Mong rằng các đại biểu tham gia Hội thảo cùng hiến kế để người dân Lai Châu có điều kiện tiếp cận tốt hơn với cơ hội học tập.
TS Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại Hội thảo |
Phần tham luận, TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ GDTX đã làm rõ vai trò của các Trung tâm Giáo dục thường xuyên đối với học tập suốt đời khi học thường xuyên, học suốt đời đã và đang trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu để cập nhật tri thức, kĩ năng nghề nghiệp và nâng cao chất lượng cho nguồn lực lao động trong xã hội. Nhiều nước trong khu vực và trên thế giới coi đào tạo từ xa là công cụ hữu hiệu để phục vụ việc học tập suốt đời và phát triển đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu, đưa kinh tế - xã hội lên tầm cao mới.
Vấn đề đặt ra cho giáo dục mở - từ xa là làm thế nào để tổ chức hiệu quả các lớp bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động và chuyển giao khoa học – kỹ thuật; Cũng như cách thức phối hợp với các Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch nghiên cứu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tổ chức biên soạn tài liệu học tập cho các Trung tâm học tập cộng đồng, các cơ sở giáo dục thường xuyên, góp phần phát triển nhanh, bền vững đội ngũ nhân lực tại chỗ cho các địa phương.
Tham luận của các đại biểu đã làm rõ nhiều vấn đề như: Vai trò, trách nhiệm của trường đại học trong việc đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân trong cộng đồng. Trong đó nhấn mạnh vai trò của các trường đại học trong việc xây dựng xã hội học tập, cũng như đề xuất các giải pháp thực hiện sao cho hiệu quả và thiết thực.
Đặc biệt là ý kiến đóng góp trực tiếp từ các cơ sở GD-ĐT tại Lai Châu đã làm rõ sự cần thiết của các trường đại học trong việc xây dựng xã hội học tập – nơi mà người dân cần gì học nấy ở một tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc sinh sống như Lai Châu.