Tích cực hóa hoạt động của người học
Chương trình GDPT tổng thể được công bố và chuẩn bị triển khai nhằm thay chương trình sách giáo khoa ban hành từ năm 2000. Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT tổng thể: “Chương trình cũ có những ưu điểm nhất định” nhưng đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử”. Trong hoàn cảnh mới, cần phải có một chương trình GD để nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực.
Chương trình GD mới sẽ tích cực hóa hoạt động của người học. Giáo viên đóng vai trò tổ chức hướng dẫn hoạt động cho HS, tạo môi trường hoạt động thân thiện để khuyến khích HS tham gia và phát hiện được năng lực nguyện vọng bản thân. Thay đổi cách đánh giá người học, đánh giá kết quả học tập, mục đích chính là để có thể làm việc, thành những lao động lành nghề, có phẩm chất, có năng lực...
Cũng theo GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, khi chương trình GDPT tổng thể được công bố, nhiều ý kiến nói không tìm thấy triết lý GD. Nhưng triết lý này không phải do người biên soạn tự nghĩ ra, mà đã thể hiện trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, trong mục tiêu, trong mỗi chương, mỗi môn học cụ thể của chương trình phổ thông tổng thể. Đó chính là dân chủ và thực học, tôn trọng quyền lựa chọn và ý kiến của người học.
Chương trình GDPT mới sẽ chia thành 2 giai đoạn: GD cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm, cấp THCS 4 năm) và giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm). Nhiều giáo viên nhận định: Qua dự thảo chi tiết các môn học của chương trình mới, nội dung đã giảm tải khá nhiều. Phạm vi kiến thức rộng, nhưng chuẩn kiến thức kỹ năng đưa ra không quá cao, hàn lâm, nặng nề lý thuyết, mà nằm trong mức cơ bản. Đồng thời tăng cường khả năng vận dụng, ứng dụng kiến thức vào trong thực tế. Nếu thực hiện được như thế thì quả thực rất tốt cho HS.
Nhưng để đáp ứng chương trình mới, nhiều trường bày tỏ băn khoăn, lo lắng về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cùng khả năng dạy tích hợp. Thực tế, thực hiện chương trình hiện hành, GD chưa phải đã hết khó khăn. Tại Nghệ An, hiện đang còn hơn 1.000 phòng học tạm, mượn (bậc tiểu học và THCS chiếm gần 600 phòng). Về đội ngũ, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ đang xảy ra trong khi đó định biên không tăng và ngành GD trong thời gian tới phải thực hiện tinh giản 10% viên chức. Một mặt khác, tâm lý ngại thay đổi, chờ đợi, bị động trước cái mới vẫn tồn tại trong ngành.
Những bước chuyển từ cơ sở
Dạy học theo chương trình mới, trong thời đại công nghệ 4.0, cả thầy và trò hoạt động nhiều hơn, yêu cầu trang thiết bị thực hành, thí nghiệm đầy đủ. Nhà trường cũng tập trung tìm nguồn lực hỗ trợ trang bị thêm cơ sở vật chất dạy học. Quan trọng nhất là minh bạch các khoản xã hội hóa để tạo niềm tin, sự ủng hộ của phụ huynh, xã hội.
Những năm gần đây, các nhà trường cũng đã có nhiều đổi mới trong dạy học và đánh giá học sinh, dần dần tiệm cận với chương trình phổ thông tổng thể. Trường THPT Nghi Lộc 5 (huyện Nghi Lộc) thời gian qua đã tập hợp đội ngũ quản lý, giáo viên nghiên cứu toàn bộ chương trình phổ thông tổng thể và dự thảo chi tiết các môn học. So sánh những điểm giống và khác biệt với chương trình hiện hành. Chuẩn bị tinh thần để học tập, nâng cao trình độ khi Bộ áp dụng chương trình mới.
Cô Hoàng Thị Phương – GV bộ môn Sinh học, tổ trưởng tổ Sinh – Thể dục – GDQP chia sẻ: “Chương trình môn Sinh học trong dự thảo tăng cường rất nhiều khả năng vận dụng thực tế kiến thức bài học cho HS. Đồng thời, việc dạy học môn Sinh tích hợp với Thể dục và GDQP là hợp lý. Tôi mong được bồi dưỡng thêm về chuyên môn, cách sắp xếp thời gian dạy, cân đối giữa bài học trên lớp, và tiết thực hành”.
Thầy Đặng Đình Kỳ - Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 5 cũng chia sẻ: “Về mặt nhận thức, chúng tôi quyết tâm thực hiện đổi mới. GV của trường 100% đạt chuẩn, có 17 thạc sĩ, đều là những người trẻ, tận tâm cống hiến, cầu tiến. Nhưng các GV đều là sản phẩm của nền giáo dục cũ, đào tạo sư phạm cũ. Khi dạy tích hợp, chắc chắn sẽ có bỡ ngỡ. Vì thế, chúng tôi mong Bộ, Sở tăng cường công tác tập huấn về chương trình mới, không chỉ đến đội ngũ quản lý mà đến tận giáo viên, ít nhất là các tổ trưởng, phó tổ bộ môn. Vì đây là những người trực tiếp nhất cùng HS triển khai chương trình mới”.
Thầy Trần Đình Hoàng – Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trường Tộ (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cũng cho biết: Năm học này, thực hiện Công văn 4612 của Bộ GD&ĐT và tập huấn của Sở, trường đã đổi mới, triển khai chương trình GDPT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho HS.
Cụ thể, tập huấn dạy học theo hướng nghiên cứu bài học. Cơ cấu lại các tổ nhóm chuyên môn theo hướng tích hợp các môn học. Trường còn kết hợp với các trường THPT khác để sinh hoạt chuyên môn liên trường, tổ chức ra đề thi liên trường... trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm và phương pháp giáo dục. Trước đó, trường đã đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp. Chú trọng hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng kiến thức bài học vào thực tế.