Nâng cao chất lượng đầu vào
Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Trong những năm trước đây theo cơ chế tập trung bao cấp thì giáo viên (GV) được tuyển chọn rất kỹ càng. Người được chọn vào học trong môi trường sư phạm cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Thế nhưng trong thời gian gần đây, tôi nhận thấy, đầu vào của sinh viên (SV) sư phạm lại thấp hơn rất nhiều so với các ngành khác.
Do đầu vào thấp nên chất lượng chưa đảm bảo. Chất lượng chưa đảm bảo thì việc đào tạo sẽ gặp khó khăn hơn và chắc chắn đầu ra cũng sẽ bị ảnh hưởng, hạn chế. Đấy chính là nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo sư phạm cũng hạn chế hơn rất nhiều.
Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề là do công tác tuyển sinh (đầu vào) của một số trường sư phạm địa phương quá dễ dãi. Do nhu cầu tuyển sinh của nhà trường mà tuyển sinh ồ ạt.
Thứ hai, trước kia khi còn thời kinh tế tập trung, SV sư phạm đào tạo ra bao nhiêu thì được phân công công tác bấy nhiêu. Gần như không có trường hợp nào lại không xin được việc hoặc không có việc làm. Nhưng bây giờ, tình trạng giáo viên ra trường thất nghiệp, không có nơi để giảng dạy, hành nghề là rất nhiều.
Đó chính là khâu yếu của việc cân đối giữa cung và cầu. Giữa tuyển sinh và địa chỉ đến - tức là đầu vào và đầu ra chưa được cân đối. Nếu tuyển sinh vào học xong khi ra trường không có nơi làm việc, không có nơi hành nghề khiến nhiều SV sư phạm chán nản và buộc phải xin việc làm trái nghề.
Thứ ba đó là chế độ chính sách. Tôi nhìn rộng ra thì thấy chế độ chính sách của một số ngành rất là cao. Họ có chế độ: Dưỡng liêm, phụ cấp được nhân hệ số cao... Nhưng với GV tôi thấy chế độ thang, bậc lương của GV hiện nay vẫn còn thấp. Đó chính là cái mà chúng ta kiến nghị để cải cách tiền lương trong đợt này. Cho nên cần phải cân nhắc rất kỹ khi nâng hệ số lương của GV lên để cho GV có thể đủ nuôi mình và con cái họ. Để họ yên tâm công tác, chứ không để tình trạng phải dạy thêm, học thêm tràn lan nữa.
Một khi đồng lương của người GV không đủ sống, họ phải dạy thêm không nằm trong quy định của pháp luật như trong thời gian vừa qua buộc chúng ta phải rung lên hồi chuông cảnh báo. Hay lại là chuyện một số trường đã thu các khoản đầu năm lớn hơn rất nhiều so với quy định… Có những trường lạm thu đã lên đến cả chục triệu đồng/học sinh vào dịp đầu năm học thì phụ huynh học sinh nào chịu nổi? Đó cũng chính là bất cập.
Nguyên nhân thì còn nhiều nguyên nhân, nhưng tôi cho rằng, có một nguyên nhân rất cơ bản đó là đồng lương của GV chưa đủ sống. Cuộc sống của họ còn rất thiếu thốn cho nên họ cũng phải tìm cách này, cách kia để kiếm sống. Tất nhiên là cách này, cách kia là sai nhưng nếu như đồng lương mà đảm bảo cuộc sống cho thầy cô giáo, thì chắc chắn tiêu cực: tình trạng dạy thêm - học thêm, tình trạng lạm thu... trong giáo dục sẽ giảm đi rất nhiều.
Đảm bảo yếu tốt đầu ra
Ông Lê Như Tiến: “Chúng ta không thể vơ đũa cả nắm khi nói đến chất lượng giáo dục đào tạo tại các trường sư phạm là chưa tốt. Tôi thấy rằng một số trường sư phạm có chất lượng đào tạo khá tốt như: Trường đại học Sư phạm Hà Nội; Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2; Trường đại học Sư phạm Vinh; Trường đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh; Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên; Trường đại học Sư phạm Huế; Trường đại học Sư phạm Nha Trang… và một số trường cao đẳng sư phạm ở một số khu vực họ đã rất tuân thủ nghiêm chỉnh về quy định chất lượng đào tạo và chuẩn khâu tuyển sinh GV đầu vào và đảm bảo chất lượng GV đầu ra.
Thế nhưng, cũng còn một số các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm địa phương dường như việc tuân thủ về quy định chất lượng còn chưa đảm bảo. Khâu tuyển sinh chưa nghiêm ngặt lựa chọn để đảm bảo được yếu tố đầu vào, cho nên ảnh hưởng tới yếu tố chất lượng đầu ra. Hơn nữa, các tiêu chí chuẩn của một GV đầu ra cũng còn mai một, hạn chế.
Ngoài ra, tôi cũng được thông tin nhiều về một số trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm ở một số địa phương trong việc quản lý SV còn lỏng lẻo; Việc đánh giá chất lượng SV đôi khi còn dễ dãi; Cho điểm cũng rất dễ dãi, chưa nghiêm khắc, chưa thật sự đòi hỏi SV phải rèn luyện cả về kỹ năng sư phạm lẫn trình độ chuyên môn nghiệp vụ… Một khi đầu vào thấp, trong quá trình học tập rèn luyện lại dễ dãi, chưa thật sự nỗ lực thì chắc chắn đầu ra sẽ không đảm bảo, thấp là chuyện đương nhiên.
Hiện nay, vẫn có nhiều giáo sinh về các cơ sở GD-ĐT xin việc nhưng chưa được các cơ sở GD-ĐT mặn mà tiếp nhận bởi họ e ngại về năng lực và trình độ của giáo sinh đó. Nếu tiếp nhận, các cơ sở GD-ĐT này cũng yêu cầu giáo sinh đó phải tự đào tạo và đào tạo lại. Nguyên nhân này là lỗi không nhỏ của các trường sư phạm chưa đạt chuẩn yếu tố đầu vào và cũng chưa có những hướng dẫn chuẩn đầu ra của giáo sinh.