Kết nối trường sư phạm và phổ thông: Quan hệ đối tác - lợi ích song hành

Thứ ba - 14/08/2018 00:18 898 0
GD&TĐ - Dù nhiều năm qua các trường sư phạm đã nỗ lực giải quyết những bất cập của khâu thực hành nghề sư phạm, nhưng kết quả đạt được vẫn chưa thể làm hài lòng ở mọi khía cạnh: chất lượng chuyên môn; sự lúng túng trước thực tế của giáo sinh; mô hình mối quan hệ giữa trường sư phạm và trường phổ thông; độ cập nhật của nội dung, hệ thống các kĩ năng trước sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn giáo dục...
Kết nối trường sư phạm và phổ thông: Quan hệ đối tác - lợi ích song hành

Chia sẻ của TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm khoa Công nghệ Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội).

3 bất cập trong chương trình kiến tập và thực tập sư phạm

- Là người trong cuộc, ông nhận thấy những thách thức nào trong triển khai thực hành nghề sư phạm ở Việt Nam hiện nay?

Thực tế triển khai đào tạo giáo viên hiện nay ở Việt Nam đã cho thấy nhiều bất cập trong chương trình kiến tập và thực tập sư phạm (KT-TTSP) về nhiều phương diện:

Thứ nhất, quan điểm về KT-TTSP: nội dung quan trọng này trong chương trình đào tạo giáo viên thường được coi là phần “gắn theo”, “minh họa” đi sau phần lí thuyết. Quá trình dạy học các môn lí luận thiếu sự tích hợp, lồng ghép những cơ hội trải nghiệm, thực hành các kĩ năng cơ bản, phục vụ cho nghề nghiệp của giáo sinh. Quá trình KT-TTSP không được tận dụng như một cơ hội để tiến hành nghiên cứu giáo dục và sư phạm. Đặc biệt, trong các chương trình đào tạo cao học và nghiên cứu sinh, chương trình phát triển chuyên môn không có phần KT-TTSP;

Thứ hai là độ trễ giữa lí luận và thực tiễn: Hầu hết các môn lí thuyết được triển khai theo logic (tuyến tính, tuần tự) môn học chứ không theo “logic nghề nghiệp”. Bản thân nội dung các môn lí luận được cấu trúc tương đối “độc lập khoa học”, thiếu sự lồng ghép của “tri thức sư phạm” và thực tiễn hành động gắn với bối cảnh giáo dục. Tỉ lệ giữa thời lượng KT-TTSP so với các học phần lí thuyết trong toàn bộ chương trình quá ít (dưới 10%), mức độ cập nhật các nội dung, kĩ năng yêu cầu cho phù hợp với sự thay đổi của thực tế giáo dục còn chậm.

Một bộ phận giảng viên sư phạm khá xa rời với thực tiễn phổ thông; giáo sinh không có cơ hội để thể nghiệm các ý tưởng dạy học theo phong cách, “triết lí”, cách tiếp cận riêng của cá nhân họ mà chủ yếu là thực hành theo “mẫu hình” do giáo viên hướng dẫn tạo nên (trong đó có cả áp lực từ việc phải tuân thủ chặt chẽ lịch trình dạy học ở trường phổ thông).

Thứ ba là mô hình phối kết hợp giữa trường sư phạm và trường phổ thông: chưa có sự tường minh về trách nhiệm (chung và đặc thù) trong sự phối hợp, tổ chức quản lí điều hành, đánh giá các đợt KT-TTSP; mối quan hệ “lợi ích - trách nhiệm” giữa 2 chủ thể này chưa được làm rõ, chưa được thể chế hóa; nhà trường phổ thông chưa trở thành một “chủ thể bị ràng buộc” trong quá trình đào tạo giáo viên; năng lực không đồng đều trong đội ngũ hướng dẫn, chỉ đạo KT-TTSP (bao gồm: giảng viên đại học, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm của trường phổ thông; thời lượng dành cho KT-TTSP, kinh phí triển khai và các điều kiện khác…

Kết nối trường sư phạm và phổ thông: Quan hệ đối tác - lợi ích song hành - Ảnh minh hoạ 2
TS Tôn Quang Cường 

Tường minh về trách nhiệm giữa sư phạm và phổ thông

- Sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo giáo viên và trường phổ thông chưa thực sự có hiệu quả như mong muốn. Vậy theo ông, cần làm thế nào để tổ chức tốt KT-TTSP với quan điểm tăng tính thực tiễn trong thiết kế nội dung thực hành, rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường sư phạm và phổ thông, đặc biệt, tăng trách nhiệm của trường phổ thông trong quá trình đào tạo giáo viên tương lai?

Nghiên cứu khảo sát một số mô hình KT-TTSP trong chương trình đào tạo giáo viên ở một số nước có thể nhận thấy 2 điểm nổi bật là việc phối kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường sư phạm và phổ thông và nội dung mang tính định hướng thực hành nghề rõ nét.

Hầu hết các cơ sở đào tạo giáo viên đều có trường phổ thông thực hành, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai KT-TTSP. Trong một số trường hợp khác, các cơ sở đào tạo giáo viên liên kết với trường phổ thông hình thành hệ thống “trường thực hành vệ tinh”, xây dựng các quy định về chức trách nhiệm vụ riêng cho từng đối tượng giáo viên hướng dẫn: giáo viên kiêm nhiệm, giáo viên bộ môn, giáo viên tư vấn, giảng viên trường sư phạm, cố vấn học tập.

Kết nối trường sư phạm và phổ thông: Quan hệ đối tác - lợi ích song hành - Ảnh minh hoạ 3
 Hình ảnh ngày hội về STEM do Trường ĐH SP Hà Nội tổ chức, kết nối rất tốt giữa các giáo viên tương lai và học sinh phổ thông

Quá trình tổ chức phối kết hợp được quy định chặt chẽ trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm giữa nhà trường sư phạm và trường phổ thông nơi giáo sinh thực hiện KT-TTSP.

Nhà trường sư phạm giữ vai trò chủ đạo trong việc xây dựng chương trình tổng thể, lịch trình, kế hoạch thực hiện chi tiết để phối hợp với trường phổ thông (và các bên liên quan trong quá trình diễn ra KT-TTSP);

Các kỳ KT-TTSP thường được tổ chức theo mô hình gắn kết, tích hợp “tại chỗ” với “tại cơ sở”. Ngay trong quá trình học các môn nghiệp vụ mang tính thực hành cao, giáo sinh đã được tiếp cận với nhiều yếu tố, “hơi thở” của nhà trường phổ thông. Ngược lại, trong quá trình làm việc “tại cơ sở”, giáo sinh vừa có cơ hội thực hành trải nghiệm dạy học, vừa được cung cấp thêm những vấn đề lí luận để giải quyết các tình huống phát sinh ngay trong thực tiễn.

Nhà trường sư phạm có trách nhiệm bố trí đội ngũ chuyên môn cao, năng lực sư phạm tốt, để thực hiện tốt chức năng bộ ba “quản lí”, “tư vấn/hướng dẫn nghiệp vụ” cho giáo sinh, “phối hợp thực hiện” với các đồng nghiệp tại trường sư phạm và trường phổ thông.

Mặt khác, trường phổ thông cũng có trách nhiệm lựa chọn các giáo viên giàu kinh nghiệm, có năng lực để phối hợp thực hiện với các giảng viên sư phạm. Đặc biệt, họ sẽ phải chịu trách nhiệm tư vấn và đánh giá các hoạt động KT-TTSP của giáo sinh thực hiện tại cơ sở.

Nhà trường sư phạm có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ tài chính, hành chính sư phạm trên cơ sở đồng thuận với trường phổ thông theo các quy định hiện hành của chính quyền, pháp luật.

Mặt khác, để tăng tính hiệu quả và tính thực tiễn, chương trình KT-TTSP được thiết kế theo tiếp cận năng lực nghề giúp người học có định hướng rõ trong việc hình thành và phát triển kĩ năng giáo dục.

Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn thực hiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập234
  • Hôm nay25,850
  • Tháng hiện tại303,980
  • Tổng lượt truy cập51,659,939
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944