Những tiêu chí bắt buộc của sách giáo khoa
GS Trần Kiều – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Toán cho biết: Nguyên tắc không thể thay thế được là khi có một chương trình GD phổ thông mới thì cùng với nó là các bộ sách giáo khoa phải được viết theo các yêu cầu của chương trình đó.
Tại Thông tư 33, điều 4, 5, 6, 7, 8 của chương II quy định chi tiết những điều kiện tiên quyết của sách giáo khoa, nội dung, cấu trúc, ngôn ngữ, phương pháp giáo dục và đánh giá trong sách giáo khoa. Theo đó, nội dung sách giáo khoa thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Các bài học trong sách giáo khoa tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm; tạo cơ hội và khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, phát huy tiềm năng của mỗi học sinh.
Các bài học trong sách giáo khoa thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh và yêu cầu về đánh giá kết quả giáo dục được quy định trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục, làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác kết quả giáo dục.
Cấu trúc sách giáo khoa có đủ các thành phần cơ bản là: phần, chương hoặc chủ đề; bài học; giải thích thuật ngữ; mục lục. Cấu trúc bài học trong sách giáo khoa bao gồm các thành phần cơ bản, là: mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng. Hình thức trình bày sách giáo khoa phải có cả kênh hình, kênh chữ đảm bảo tính giáo dục, tính thẩm mỹ, hài hòa, các số liệu chính xác, các khái niệm phải nhất quán tường minh.
Còn PGS.TS Đào Đức Doãn- Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn Đạo đức nhận định: Các tiêu chí thẩm định được quy định rất đầy đủ, tường minh, giúp Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa làm việc thuận lợi.
Việc có những điều kiện khung mà sách giáo khoa phải tuân theo là cần thiết, nhằm đảm bảo các bộ sách giáo khoa có sự thống nhất chung về yêu cầu và định hướng lớn, đúng với chương trình môn học, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà các văn bản Luật, Nghị quyết Quốc hội, Quyết định của Chính phủ đã quy định.
Trao quyền sáng tạo cho tác giả
Ngoài những điều kiện tiên quyết nói trên, PGS.TS Đào Đức Doãn cho biết, các tiêu chí, bộ chỉ báo đánh giá sách giáo khoa hoàn toàn không đóng khung mà ngược lại rất cởi mở với sự sáng tạo trong các bộ sách.
Trong chương trình tổng thể và chương trình môn học cũng chỉ quy định những định hướng lớn về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, yêu cầu cần đạt về phẩm chất năng lực, quy định các nội dung cốt lõi, cơ bản.
Các tác giả sách giáo khoa được trao quyền chủ động sáng tạo trong lựa chọn nội dung, ngữ liệu, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá… để đưa vào sách giáo khoa.
PGS.TS Đỗ Đức Doãn nêu ý kiến: Thực tế, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Đạo đức đã thẩm định 6 bộ sách giáo khoa và mỗi bộ sách đều có nét độc đáo riêng và chúng tôi tôn trọng điều đó khi thẩm định.
Ngoài các điều kiện bắt buộc những bộ sách giáo khoa phải đáp ứng, Hội đồng thẩm định môn Đạo đức đặc biệt quan tâm đến đến tính phù hợp của các bộ sách đối với thực tế giảng dạy và đối tượng người học ở các vùng miền, để đưa ra những đánh giá, góp ý chính xác, phù hợp cho các bộ sách giáo khoa.
Còn PGS.TS Phạm Thị Hồng Nhung- Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn tiếng Anh nêu quan điểm: Các tiêu chí thẩm định sách giáo khoa không khiến cách nhìn nhận, đánh giá của các thành viên trong hội đồng bị giới hạn. Các tiêu chí và đánh giá của Hội đồng đều tôn trọng sự sáng tạo của tác giả sách giáo khoa, đặc biệt là sáng tạo về phương pháp dạy học.
Các tác giả hoàn toàn được tự do sáng tạo về phương pháp dạy học, miễn sao nó tương thích với nội dung chương trình giáo dục phổ thông, chương trình môn học và hỗ trợ học sinh phát triển các năng lực, phẩm chất đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình thì Hội đồng sẽ tôn trọng phương pháp ấy.
Những nội dung đã công bố trong chương trình chắc chắn là phần cốt lõi mà bất cứ bộ sách giáo khoa nào cũng phải tuân theo. Nếu nội dung không phù hợp thì Hội đồng sẽ đề nghị tác giả chỉnh sửa.