Ít thay đổi nguyện vọng
Thầy Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (Quận 10, TPHCM) chia sẻ: Năm nay, trường thực hiện đăng kí nguyện vọng (NV) vào lớp 10 online nên mọi thứ diễn ra thuận lợi. Trước khi nhà trường chốt NV cuối cùng theo quy định của Sở GD&ĐT, học sinh, phụ huynh có thể thay đổi với thao tác đơn giản, thuận tiện, nhanh gọn.
Cũng theo thầy Phát, được nhà trường tư vấn kĩ về tuyển sinh 10, hướng nghiệp nên xu hướng phụ huynh, học sinh ưu tiên chọn trường gần nơi cư trú, gần nhà và dựa vào năng lực của bản thân chiếm số đông. Trường có 6 lớp 9, đa phần các em chọn NV1 ở các trường THPT lân cận như Trường THPT Nguyễn Khuyến, THPT Nguyễn Du, THPT Hùng Vương, THPT Trần Khai Nguyên. Ở NV 2 chọn THPT Nguyễn An Ninh, THPT Sương Nguyệt Anh…
Trường THCS Lạc Hồng (Quận 10, TPHCM) cũng có gần 30 em không đăng kí thi vào lớp 10 công lập, trong số này, một vài em chọn trường ngoài công lập để theo học, còn lại chọn trường nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Trước đó trường đã tổ chức cho các học sinh này đến tham quan tại Trường CĐ Lý Tự Trọng, CĐ Bách Khoa Nam Sài Gòn để có cái nhìn tổng quan cũng như lựa chọn nghề phù hợp.
Tại Trường THCS Lữ Gia (Quận 11, TPHCM), thầy Bùi Thành Đức, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có 326 học sinh lớp 9, chỉ có khoảng 5 - 7% có những điều chỉnh NV so với đăng kí ban đầu. Ngoài việc dựa vào kết quả học kỳ I, trường đã cho các em làm bài thi thử (không tính điểm) để khảo sát năng lực, vừa làm căn cứ tư vấn chọn NV vào 10 phù hợp. Một số ít học sinh trường đăng kí thi vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, còn lại đăng kí ở các trường như THPT Hùng Vương, THPT Trần Khai Nguyên, THPT Mạc Đĩnh Chi…
Tương tự tại Trường THCS Hậu Giang (Quận 11, TPHCM), theo lãnh đạo nhà trường, nhờ làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng, đa số học sinh lựa chọn NV 1 vào các trường tốp giữa trên địa bàn Quận 11, Quận 8… Trường có hơn 260 học sinh lớp 9 trong đó có 85 em lựa chọn trường nghề để theo học sau khi hoàn thành chương trình THCS.
Nhiều ngã rẽ
Thi vào lớp 10 tại Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh vì đây là ngã rẽ rất quan trọng trong quá trình học tập của học sinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thi vào lớp 10 một trường công lập tốp đầu không phải là lựa chọn duy nhất, đặc biệt trong bối cảnh nhiều trường công giảm chỉ tiêu so với năm học trước: Trường THPT Thăng Long tuyển 600 học sinh lớp 10, ít hơn năm ngoái 75 học sinh, Trường THPT Phan Đình Phùng giảm 120 học sinh so với năm học trước.
Năm nay, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Dự kiến, 62% học sinh sẽ trúng tuyển vào trường THPT công lập; 2,6% theo học tại các trường THPT công lập tự chủ và khoảng 20% vào trường THPT ngoài công lập.
Ngoài học tại các trường THPT công lập và ngoài công lập, học sinh có thể theo học lớp 10 chương trình GDTX. Theo đó, 29 TTGDNN - GDTX của các quận, huyện, thị xã đều có chỉ tiêu tuyển học sinh lớp 10 theo chương trình này. Ngoài ra, các trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng trên địa bàn TP cũng công bố tuyển sinh lớp 10 năm học 2020 - 2021 với hàng nghìn chỉ tiêu: Trường Cao đẳng Công Thương Hà Nội (280 chỉ tiêu); Trường ĐH Thủ đô Hà Nội (200 chỉ tiêu); Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây, Cao đẳng Truyền hình cùng tuyển 160 chỉ tiêu...
Cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Qua số liệu ban đầu, có khoảng 1/4 học sinh không đăng kí tham gia kì thi vào các trường công lập. Điều này cho thấy học sinh đã lượng sức mình để có lựa chọn khác, chứ không bằng mọi giá tham gia kỳ thi vào các trường tốp đầu như trước đây.
"Hãy biết năng lực của mình và chọn môi trường vừa sức học, có như vậy, các em mới có thể phát triển tốt hơn. Phụ huynh cũng không nên tư duy bằng mọi giá nhồi nhét con cái mình vào chỗ nọ, chỗ kia. Hãy để các em đứng ở đúng vị trí của mình, có vậy, mới có thể phát huy hết khả năng" - cô Hồng chia sẻ.
Cùng quan điểm, thầy Hà Xuân Nhâm – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: Không nên nặng nề việc phải vào các trường tốp đầu bởi trường tốt nhất là trường phù hợp với học sinh. Thay vào đó, cha mẹ nên dành thời gian tìm hiểu thêm về vấn đề về văn hóa, học phí, chương trình đào tạo để xem có phù hợp với gia đình mình hay năng lực của con em họ hay không.
Hà Nội dự kiến có 90.730 học sinh dự thi vào lớp 10 THPT, tăng gần 6.000 thí sinh so với năm học trước. Các trường công lập năm nay chỉ tuyển 66.776 học sinh. Các trung tâm GDNN - GDTX tuyển khoảng hơn 16.000 học sinh, còn lại là trường ngoài công lập, trường nghề…