Theo đó, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và tiếp tục thực hiện hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về nội dung này, Sở GD&ĐT Gia Lai yêu cầu các đơn vị chủ động, sáng tạo nghiên cứu xây dựng triển khai các mô hình giáo dục kỹ năng PCCC trong các cơ sở giáo dục, tổng kết đúc rút kinh nghiệm để đề xuất nhân rộng các mô hình điển hình, tiên biểu.
Đa dạng các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên, học viên trong công tác PCCC; tăng cường các biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn về PCCC nhằm hạn chế cháy nổ xảy ra, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy, nổ gây ra tại các cơ sở giáo dục.
Về công tác phòng ngừa, bảo đảm an toàn PCCC trong các cơ sở giáo dục, Sở GD&ĐT nhấn mạnh việc kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCC trong các cơ sở giáo dục, hình thành đội ngũ cán bộ cốt cán tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện cho đội ngũ cán bộ này để tuyên truyền, phổ biến, hưỡng dẫn kỹ năng về PCCC và cứu nạn cứu hộ cho học sinh, sinh viên tại cơ sở giáo dục. Đầu tư các điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC theo quy định.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra rà soát các điểm có nguy cơ cháy nổ cao: nhà bếp, nhà ăn, phòng máy tính, phòng thí nghiệm, nhà kho… Chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, bảo đảm an toàn PCCC trong nhà trường.
Các đơn vị cũng được yêu cầu xây dựng hồ sơ quản lý số lượng hóa chất đang sử dụng, hóa chất đã hết hạn sử dụng, hóa chất cần mua mới và số lượng hóa chất cần tiêu hủy. Phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý, thu gom và tiêu hủy hóa chất đã hết hạn sử dụng và cung cấp hóa chất mới nhằm đảm bảo an toàn về PCCC cho các hoạt động thực hành, thí nghiệm của học sinh, sinh viên…