Hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo
Theo GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, việc xây dựng cơ cấu tổ chức hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên (CSĐTGV) cần theo nguyên tắc xác định đơn vị cấu trúc và tạo được mối quan hệ tương trợ giữa các đơn vị, từ đó tạo ra hoạt động chức năng của hệ thống. Chức năng chính của CSĐTGV là đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống giáo dục quốc dân. Như vậy, khi thiết kế phải hướng vào việc tạo cho CSĐTGV nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nội tại.
Đơn vị cấu trúc của hệ thống này là các CSĐTGV, thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên (GV) cho các cấp học: Giáo dục mầm non, phổ thông (tiểu học, THCS, THPT). Bên cạnh đó, còn có các trường đa ngành tham gia đào tạo giáo viên.
Trong hệ thống, các phần tử quan hệ với nhau theo nguyên tắc thứ - bậc. Dù là cấp độ nào, mỗi hệ này vừa là đơn vị cấu trúc, vừa là đơn vị chức năng. Theo nguyên tắc đó, hệ thống CSĐTGV được thiết kế thành các hệ con theo thứ bậc khác nhau. Mỗi hệ con ở một bậc có quan hệ, chức năng nhất định. Đó cũng là nguyên tắc xác lập và phân loại các hệ con cấu thành hệ thống CSĐTGV.
Với cấu trúc này sẽ tạo được quan hệ giữa Bộ - Sở - Phòng (gọi là quan hệ dọc) và quan hệ giữa các CSĐTGV cấp quốc gia, tỉnh, huyện/quận (quan hệ ngang). Mỗi loại quan hệ này thực hiện chức năng cụ thể, đóng góp cho sự phát triển đội ngũ GV cả nước.
Cũng theo GS.TS Đinh Quang Báo, các hệ thống cần xác lập theo quan hệ vùng lãnh thổ. Điều này không chỉ phản ánh quan hệ không gian địa lý, mà còn liên quan đến đặc điểm văn hoá, phát triển kinh tế - xã hội. Với các quan hệ này, hệ thống CSĐTGV có cấu trúc bao gồm: CSĐTGV các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên. Với đặc điểm quan hệ vùng lãnh thổ, các hệ trong cấu trúc này khi hoạt động sẽ đóng góp kết quả về nghiên cứu nhu cầu bồi dưỡng, đào tạo, biên soạn tài liệu bồi dưỡng; tổ chức bồi dưỡng; hỗ trợ nguồn nhân lực; biên soạn các chuyên đề, môn học tự chọn trong chương trình giáo dục các cấp học...
Gắn với Luật Giáo dục 2019
TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nêu quan điểm: Một hệ thống giáo dục được đánh giá tốt, phải thỏa mãn đồng thời tiêu chí như: Công bằng, bình đẳng; chất lượng và hiệu quả. Việc quy hoạch, sắp xếp các trường sư phạm cũng cần bảo đảm các tiêu chí này và phải có lộ trình phù hợp dựa trên bối cảnh tổng thể.
TS Lê Viết Khuyến cho biết: Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã có kiến nghị về một số giải pháp đối với hệ thống cơ sở sư phạm. Theo đó, Hiệp hội đề xuất: Từ nay tới năm 2025: Cơ bản giữ nguyên hệ thống cơ sở sư phạm như hiện nay. Thực hiện phân tầng (theo sứ mệnh) hệ thống này thành các trường ĐH sư phạm/ĐH giáo dục trọng điểm, cơ sở sư phạm Trung ương, trường/khoa ĐHSP địa phương, trường/khoa CĐSP địa phương. Bộ GD&ĐT phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng và nâng cấp trình độ đào tạo của cơ sở sư phạm trên địa bàn cho phù hợp với yêu cầu của Luật Giáo dục 2019. Nhà nước có chính sách hỗ trợ thành lập trường thực hành liên cấp chất lượng cao trong các trường/khoa sư phạm.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT xây dựng quy định chuẩn của cơ sở sư phạm (trọng điểm, Trung ương, địa phương), chuẩn chương trình đào tạo giáo viên (nội dung cứng) và các chuẩn khác để tạo cơ chế liên thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống giáo dục. Việc nâng chuẩn trình độ giáo viên theo Luật Giáo dục 2019 có lộ trình phù hợp và gắn liền với quy hoạch nâng cấp đào tạo (lên trình độ đại học) của cơ sở sư phạm.
Sau năm 2025, cơ sở sư phạm từng bước chuyển thành trường giáo dục trong các đại học đa lĩnh vực hoặc khoa sư phạm trong trường đại học địa phương; có thể phát triển thành trường đại học địa phương đa ngành, nhằm tạo sự ổn định trong hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn cơ sở GDĐH trong đào tạo giáo viên khi xuất hiện nhu cầu lớn. Giải thể cơ sở sư phạm không bảo đảm chất lượng dựa trên kết quả kiểm định chất lượng đào tạo và điều tra việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.
Theo TS Lê Viết Khuyến, cần thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo địa chỉ. Xây dựng cơ chế “đặt hàng đào tạo giáo viên” từ các địa phương. Sinh viên sư phạm được ưu tiên vay tín dụng Nhà nước và được xóa nợ tín dụng nếu làm việc trong ngành Giáo dục.